Ý thức chính trị là một trong những hình thái ý thức xã hội, phản ánh các quan hệ chính trị, kinh tế, xã hội giữa các giai cấp, các dân tộc và các quốc gia cũng như thái độ của các giai cấp đối với quyền lực nhà nước. Ý thức chính trị xuất hiện trong xã hội có giai cấp và nhà nước. Nói đến ý thức chính trị của mỗi cá nhân là nói đến sự nhận thức về những vấn đề liên quan đến đời sống chính trị xã hội; là thái độ, niềm tin, lý tưởng, ý chí, bản lĩnh chính trị.

Sinh viên Việt Nam “là người đang học chương trình đào tạo trình độ đại học hệ chính quy tại các cơ sở giáo dục đại học”; “là trung tâm của các hoạt động giáo dục và đào tạo trong cơ sở giáo dục đại học được bảo đảm điều kiện thực hiện đầy đủ nhiệm vụ và quyền trong quá trình học tập và rèn luyện tại cơ sở giáo dục và đào tạo” [5]. Sinh viên cũng là là những chủ thể chính trị mà trong đó ý thức chính trị của họ không thể tách rời ý thức chính trị chung của xã hội, của giai cấp, dân tộc.

Ý thức chính trị của sinh viên Việt Nam, trước hết là sự hiểu biết của mỗi cá nhân về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và những vấn đề chính trị trong nước và quốc tế. Trong đó, Hệ tư tưởng Mác - Lênin (hệ tư tưởng của giai cấp công nhân) là hệ tư tưởng triệt để cách mạng và khoa học. Đảng ta khẳng định “lấy chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động” [2]. Chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước ta được xây dựng trên cơ sở các quan điểm cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và hướng tới mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Theo đó, ý thức chính trị của sinh viên Việt Nam thể hiện ở tinh thần yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, sự tự tôn dân tộc, tự hào với truyền thống cách mạng của quê hương, đất nước, với truyền thống vẻ vang của Đảng. Ý thức đó thể hiện ở tình cảm, niềm tin, lý tưởng cách mạng, cũng như ý chí, bản lĩnh chính trị của sinh viên. Đó là sự trung thành tuyệt đối với sự nghiệp cách mạng, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, tinh thần sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu, nhận bất cứ nhiệm vụ nào mà Đảng và Nhân dân giao cho.

Ý thức chính trị là một trong những yếu tố quan trọng góp phần giúp sinh viên vượt qua khó khăn của cuộc sống và cảnh giác trước những âm mưu phá hoại của kẻ thù, bảo vệ lý tưởng cao đẹp; đồng thời, khơi dậy lòng tự hào, niềm tin, ý chí, bản lĩnh kiên cường của con người xã hội chủ nghĩa, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và đổi mới đất nước. Hiện nay, ý thức chính trị của sinh viên chịu sự tác động của rất nhiều yếu tố như:  tình hình kinh tế chính trị - xã hội trong nước, môi trường chính trị - xã hội của trường đại học, cao đẳng mà sinh viên đang theo học cũng như đặc điểm tâm lý lứa tuổi và năng lực tự nhận thức của sinh viên, đặc biệt là sự tác động của xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.

Toàn cầu hoá là quá trình phát triển kinh tế, theo xu thế phát triển hiện đại, kèm theo những khuynh hướng tiên tiến, khi đó quá trình toàn cầu hoá được xem như một quá trình tăng lên mạnh mẽ của các mối liên hệ, và có sự phụ thuộc, ảnh hưởng qua lại giữa các khu vực, quốc gia và các dân tộc trên thế giới. Toàn cầu hoá đã tạo ra những điều kiện phát triển các lĩnh vực và đặc biệt là kinh tế [7]. Toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, một mặt đang mở ra nhiều cơ hội cho sinh viên Việt Nam phấn đấu trở thành những công dân toàn cầu, được tiếp xúc nhiều hơn với đời sống chính trị thế giới, từ đó có thêm các tri thức chính trị, giúp sinh viên nâng cao nhận thức và trình độ chính trị; mặt khác, nó cũng làm du nhập những luồng chính trị ngoại lai không phù hợp với chế độ chính trị xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, làm một bộ phận sinh viên dao động về chính trị, thậm chí mất phương hướng, nhận thức sai lầm về chính trị. Lợi dụng quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, các thế lực thù địch đẩy mạnh thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình” với nhiều thủ đoạn ngày càng tinh vi, từ đó làm cho một bộ phận sinh viên dễ dẫn đến “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; nói, viết, làm trái quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước. Đặc biệt, các thế lực thù địch triệt để lợi dụng các phương tiện truyền thông xã hội để tuyên truyền, kích động, xuyên tạc, nhất là trước những sự kiện “nóng” về chính trị, tác động tiêu cực đến tư tưởng, tình cảm, niềm tin chính trị của sinh viên. Bên cạnh những mặt tích cực thì những năm gần đây, “Một bộ phận giới trẻ giảm sút niềm tin, thiếu ý thức chấp hành pháp luật, sống thực dụng, thiếu lý tưởng, xa rời truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Một số ít thanh niên bị các thế lực thù địch lôi kéo, kích động chống phá sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta. Tình trạng tội phạm và tệ nạn xã hội trong giới trẻ diễn biến phức tạp” [1]; một số khác sinh viêncòn thờ ơ về chính trị, sống thiếu lý tưởng, lệch lạc về quan điểm sống, dễ bị ảnh hưởng của những trào lưu không phù hợp với thuần phong mỹ tục, không lành mạnh, mắc các tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật. Không ít sinh viên thiếu ý chí phấn đấu, không tích cực học tập, thiếu kỹ năng thực hành xã hội, không đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động sau khi ra trường” [4]. Do đó, việc nâng cao ý thức chính trị cho sinh viên mà trước hết là “Tăng cường giáo dục thế hệ trẻ về lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa, nâng cao lòng yêu nước, tự hào dân tộc, nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão, khát vọng vươn lên; nêu cao tinh thần trách nhiệm đối với đất nước, với xã hội” [3] là nhiệm vụ quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong đó, nội dung giáo dục ý thức chính trị cho sinh viên cần chú trọng việc bồi dưỡng, giáo dục, giác ngộ lý tưởng, truyền thống đạo đức cách mạng, giúp sinh viên rèn luyện bản lĩnh chính trị vững vàng, vượt qua mọi khó khăn, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của sinh viên trong phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời, giáo dục, bồi đắp lòng yêu nước, ý chí tự tôn, tự cường dân tộc. Để thực hiện tốt được nhiệm vụ này cần phải có những giải pháp thiết thực từ phía các cơ sở giáo dục Đại học cũng như bản thân mỗi sinh viên.

Thứ nhất, tăng cường giáo dục ý thức chính trị cho sinh viên thông qua giảng dạy các môn học, trong đó, đặc biệt là các môn Lý luận chính trị. Các môn Lý luận chính trị bao gồm: Các môn khoa học Mác - Lênin (Triết học Mác – Lênin, Kinh tế chính trị Mác – Lênin, Chủ nghĩa xã hội khoa học); Tư tưởng Hồ Chí Minh và Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam. Các môn học này trực tiếp trang bị, bồi dưỡng thế giới quan khoa học và nhân sinh quan cách mạng cho sinh viên. Từ đó, một mặt, nhằm nâng cao nhận thức chính trị cho sinh viên, góp phần thực hiện mục tiêu giáo dục: “phát triển toàn diện con người Việt Nam có đạo đức, tri thức, văn hóa, sức khỏe, thẩm mỹ và nghề nghiệp; có phẩm chất, năng lực và ý thức công dân; có lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; phát huy tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân; nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế” [6]; mặt khác giúp sinh viên có thể nhận diện và đấu tranh chống lại các quan điểm sai trái, củng cố niềm tin của sinh viên vào giá trị khoa học và cách mạng chủ nghĩa Mác – Lênin; tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

leftcenterrightdel
 

Sinh viên tham gia vòng thực hành trắc nghiệm trực tuyến tại Hội nghị Olympic toàn quốc các môn khoa học Mác – Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh “Ánh sáng soi đường” lần thứ V, năm 2023.

                                                                                                                                           Ảnh: TTXVN

Thứ hai, xây dựng môi trường chính trị ở các trường đại học, cao đẳng lành mạnh, trong sạch, tạo điều kiện thuận lợi cho việc nâng cao ý thức chính trị của sinh viên. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, trước hết, cần phát huy tính dân chủ, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho sinh viên đáp ứng nhu cầu và lợi ích hợp pháp của sinh viên, tạo ra những động lực thúc đẩy phong trào thi đua học tập vì ngày mai lập nghiệp; đồng thời, nâng cao vai trò của các tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Sinh viên. Thường xuyên trao đổi, đối thoại với sinh viên, kịp thời nắm bắt và dự báo tình hình tư tưởng, định hướng dư luận xã hội; đồng thời, đấu tranh, phê phán, uốn nắn nhận thức chính trị lệch lạc, biểu hiện sai trái trong cán bộ, đoàn viên, hội viên. Tích cực tìm tòi phương thức sáng tạo trong giáo dục sinh viên, góp phần củng cố tổ chức Đoàn trong sạch, vững mạnh về chính trị và tạo nên những điểm sáng về công tác giáo dục chính trị cho sinh viên.

Thứ ba, đề cao vai trò tự giáo dục, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng của sinh viên có ý nghĩa quyết định đối với việc nâng cao ý thức chính trị của mỗi sinh viên. Bởi lẽ, tự giáo dục là yếu tố căn bản chuyển hoá nhận thức thành hành động, ý chí, lý tưởng sống của sinh viên. Công tác giáo dục ý thức chính trị, lý tưởng cách mạng của nhà trường chỉ phát huy hiệu quả khi sinh viên ý thức được trách nhiệm và nghĩa vụ của bản thân, ý thức được sự cần thiết phải tự tu dưỡng, rèn luyện trau dồi phẩm chất đạo đức, lối sống. Thông qua tự giáo dục, ý thức tự giác của sinh viên, những định hướng giá trị vốn tồn tại với tư cách là nhu cầu khách quan của xã hội được chuyển hoá thành niềm tin, ước mơ, hoài bão, lý tưởng, thành hành động cụ thể trong học tập, công tác, trong lời nói, việc làm của sinh viên và quyết tâm suốt đời phấn đấu cho mục tiêu, lý tưởng đó.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Chỉ thị số 42-CT/TW, ngày 24-3-2015, của Ban Bí thư, “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ giai đoạn 2015 - 2030”

2. Đảng Cộng sản Việt Nam (2011). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX. Nxb. Chính trị Quốc gia - Sự thật.

3. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật Hà Nội, 2021, t. I, tr. 168.

4. Hội Sinh viên Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ X, nhiệm kỳ 2018 - 2023, Hà Nội, 2018, tr. 23

5. Thông tư 10/2016/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục & Đào tạo về Bán hành quy chế công tác sinh viên đối với chương trình đào tạo đại học hệ chính quy, Điều 2

6. https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-duc/Luat-giao-duc-2019-367665.aspx

7. https://bacdau.vn/kb/toan-cau-hoa-la-gi-va-he-qua-cua-no-mang-lai/