1  . Đặc điểm của giai cấp nông dân, giai cấp công nhân và tầng lớp trí thức nước ta hiện nay

Theo số liệu thống kê của Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, nước ta có 68% dân số trong nhóm 15 - 64 tuổi, tức khoảng 65.422.109 người (Ban chỉ đạo tổng điều tra dân số và nhà ở trung ương 2019). Như vậy, số lao động trong lĩnh vực nông – lâm – thủy sản ở nước ta vào năm 2019 là khoảng 23.094.005 người.

Các nghiên cứu độc lập như nghiên cứu tại tỉnh Hưng Yên cho thấy, số lao động làm nông nghiệp ở các xã có chuyển đổi đất cho công nghiệp hóa còn giảm đi rất nhanh, từ 56.7% năm 2000 xuống còn 31.8% năm 2007 và chỉ còn 19% năm 2012 (Nguyen Thi Dien, Philippe Lebailly et al. 2015). Tức là cứ 10 người lao động chỉ có khoảng 2 người là nông dân.

Một số liệu khác có thể tham khảo là số liệu từ điều tra nông lâm thủy sản được thực hiện 5 năm một lần, lần đầu tiên vào năm 1994. Trong 20 năm, số hộ nông - lâm - thủy sản ở nông thôn giảm từ 81% năm 2001 xuống còn 49% năm 2020. Tuy nhiên số liệu này tính trên phạm vi hộ gia đình, mặc dù hộ nông - lâm - thủy sản được định nghĩa là hộ có đa số lao động làm việc trong lĩnh vực này.

Như vậy các số liệu thống kê quốc gia mặc dù không chỉ ra chính xác số lượng nông dân, công nhân, trí thức và sự biến đổi số lượng các giai cấp và tầng lớp qua các giai đoạn nhưng đã chỉ ra xu hướng suy giảm số lượng nông dân của cả nước, đồng thời có sự gia tăng số lượng giai cấp công nhân và tầng lớp trí thức trong những năm gần đây. Câu hỏi đặt ra là, vị trí vai trò của nông dân và liên minh công – nông – trí thức hiện nay có quan hệ như thế nào với số lượng nông dân giảm đi và sự gia tăng số lượng công nhân và trí thức?

2  Vai trò kinh tế của nông dân và nền tảng kinh tế của liên minh công – nông – trí thức từ tính “đa dạng hóa” và “phi địa phương hóa” sinh kế hiện nay.

Đa dạng hóa và “phi địa phương” hóa sinh kế là xu hướng chung của sinh kế người dân, đặc biệt là ở các nước phía Nam (Ellis 2000, Rigg 2006). Xu hướng này thể hiện ở chỗ, trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa toàn cầu, đặc biệt là sự lớn mạnh của các đô thị và kinh tế đô thị, nông dân tham gia nhiều hoạt động kinh tế, đa dạng hóa các nguồn sinh kế để nâng cao đời sống và là chiến lược cơ bản để đảm bảo an toàn. Song song với quá trình đa dạng hóa sinh kế là quá trình “phi địa phương” hóa sinh kế. Người ta tìm kiếm việc làm và các nguồn thu nhập không chỉ tại địa phương mà còn ở nơi khác, trong nước hoặc quốc tế. Tính phổ biến của sự đa dạng hóa và phi địa phương hóa sinh kế, cùng với sự suy giảm của nông dân và sản xuất nông nghiệp, kiến cho người ta đặt ra vấn đề về tái cấu trúc xã hội nông nghiệp, nông thôn  “deagrarianization” (Bryceson 1996, Banchirigah and Hilson 2010).

Ở nước ta, rất nhiều hộ gia đình thực hiện đa dạng hóa các nguồn thu nhập, trong đó chủ yếu là các hoạt động sinh kế từ di cư. Số liệu thống kê của Việt Nam cho thấy trong 88.4 triệu dân từ 5 tuổi trở lên có 6.4 triệu người di cư (chiếm 7,3%). Cùng với quá trình đô thị hóa và sự lớn mạnh của khu vực kinh tế công nghiệp đô thị ngay ở các vùng nông thôn, xu hướng di cư từ đa phần là di cư nông thôn - thành thị đã chuyển thành di cư từ thành thị - thành thị (Tổng cục thống kê 2020). Người nông dân thực hiện đa dạng hóa sinh kế vừa để nâng cao thu nhập và mức sống cho gia đình vừa góp phần thúc đẩy kinh tế quốc gia. Như vậy, vai trò kinh tế chủ đạo của nông dân là cung cấp lương thực thực phẩm, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia mang một ý nghĩa mới trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện nay. Về mặt số lượng, khi khu vực kinh tế nông nghiệp bị thu hẹp và số lượng nông dân giảm đi, nghĩa là số người làm ra các sản phẩm nông nghiệp ít đi trong khi số người tiêu thu nông phẩm tăng lên.  Về mặt chất lượng, quá trình CNH, HĐH kéo theo các hệ lụy về môi trường, suy thoái tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là các tài nguyên phục vụ việc sản xuất ra lương thực, thực phẩm an toàn. Ô nhiễm môi trường tự nhiên còn là nguyên nhân của việc bùng phát các dịch bệnh có nguồn gốc từ thức ăn và gia tăng các bệnh truyền nhiễm từ động vật sang người. Việc cung cấp đủ lương thực thực phẩm nuôi sống một xã hội có nhu cầu nông phẩm ngày càng gia tăng cả về số lượng và chất lượng đã nói lên vai trò to lớn của ngành nông nghiệp, trong đó phần đóng góp chủ đạo là của nông dân nhưng các giai cấp và tầng lớp khác cũng có vai trò không nhỏ.

3  . Vị trí vai trò của nông dân và liên minh công – nông – trí thức trong gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc

Cho dù xã hội ngày nay có biến đổi rất lớn, nông dân và nông thôn vẫn là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Từ những giá trị văn hóa mang tính cộng đồng như tình yêu lao động, thái độ tôn trọng học vấn, tình làng nghĩa xóm, tình đoàn kết tương thân tương ái trong cộng đồng… đến các giá trị trong gia đình như lòng hiếu nghĩa với cha mẹ, nghĩa thủy chung vợ chồng, tình yêu thương giữa anh chị em ruột…đều được người dân nuôi dưỡng, gìn giữ và phát triển. Chính điều này tạo nên đặc trưng văn hóa nông thôn, nông nghiệp trong nền văn hóa nước ta nói chung.

Như vậy, so với các vai trò kinh tế và nền tảng kinh tế, vai trò văn hóa của nông dân và nền tảng văn hóa trong liên minh - công - nông trí thức ở nước ta hiện nay ít hiển hiện hơn, đồng thời có tính bền vững hơn. Nền văn hóa do nông dân tạo ra luôn là cảm hứng vô tận cho các sáng tạo văn hóa, văn học nghệ thuật của đội ngũ trí thức và những người làm nghệ thuật, là cơ sở cho hoạt động kinh doanh nghệ thuật phát triển. Vai trò của các nhân tố truyền thống, đặc biệt là các di sản về tổ chức, điều hành, quản lý xã hội, những nền tảng cơ bản của văn hóa truyền thống, tín ngưỡng dân gian, phong tục, tập quán góp phần hình thành tâm lý dân tộc, là tài sản quốc gia, không phân định giai cấp và tầng lớp xã hội (Đặng Cảnh Khanh 1999).

Tài liệu tham khảo

Ban chỉ đạo tổng điều tra dân số và nhà ở trung ương (2019). Kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở, thời điểm 0 giờ ngày 01 tháng 4 năm 2019. Tổng cục thống kê. Hà nội: 155.

Đặng Cảnh Khanh (1999). Các nhân tố phi kinh tế: Xã hội học về sự phát triển. Hà nội, Nhà xuất bản khoa học xã hội.

Đảng Cộng sản Việt Nam (2008). Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05/08/2008 của Hội nghị lần thứ 7 BCH TW khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Peemans, J.-P. (2013). "A political economy of rural development in Southeast Asia in relation with many versions of the disppearance of the peasantry." Etudes et Documents du GRAESE 6: 1-102.

Rigg, J. (2006). "Land, farming, livelihoods, and poverty: Rethinking the links in the Rural South." World Development 34(1): 180-202.

Tổng cục thống kê (2020). Thông cáo báo chí kết quả điều tra nông nghiệp, nông thôn giữa kỳ năm 2020. Hà nội.

Tổng cục thống kê (2021). Thông cáo báo chí về kết quả điều tra mức sống dân cư.

Văn Tạo (1977). Mấy suy nghĩ bước đầu về giai cấp công nhân và làng xã Việt Nam. Nông thôn Việt Nam trong lịch sử. Ủy ban khoa học xã hội Việt Nam- Viện Sử học. Hà Nội, Nhà xuất bản khoa học xã hội. Tập 1.