Nước ta là một quốc gia đi lên từ sản xuất nông nghiệp. Nước ta có điều kiện tự nhiên khá thuận lợi cho phát triển nông nghiệp. Do đó trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, Đảng và Nhà nước ta luôn chú trọng đến nông nghiệp. Trong những năm qua, cùng với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH) nông nghiệp, nông thôn và công cuộc xây dựng nông thôn mới, nhiều chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước đã tạo điều kiện cho nông nghiệp phát triển. Để thực hiện được các mục tiêu, chiến lược quốc gia về xây dựng nông thôn và phát triển nông nghiệp, hoàn thành thắng lợi sự nghiệp CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn nước ta cần phải có một đội ngũ trí thức nông nghiệp đông đảo về số lượng, giỏi về chuyên môn, nắm bắt kịp thời các tiến bộ khoa học - kỹ thuật và công nghệ để đưa vào quá trình sản xuất.
Trong bối cảnh thế giới đã và đang tiến vào kỷ nguyên của nền kinh tế tri thức, xu hướng toàn cầu hóa và hội nhập diễn ra với tốc độ nhanh chóng đòi hỏi sự nghiệp CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn phải có sự đổi mới và phát triển về chất. Để hoàn thành thắng lợi sự nghiệp này đòi hỏi nước ta phải có một đội ngũ trí thức nông nghiệp đông đảo, một nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực nông nghiệp. Với tư cách là bộ phận tinh hoa nhất, đội ngũ trí thức, giảng viên công tác trong các trường đại học thuộc khối ngành nông nghiệp như Học viện Nông nghiệp Việt Nam trong những năm qua đã trực tiếp đóng góp rất lớn cho công cuộc đổi mới đất nước, xây dựng và phát triển nông thôn.
Học viện Nông nghiệp Việt Nam trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, là trường trọng điểm quốc gia, đầu ngành trong lĩnh vực nông nghiệp, trong nhiều năm qua Học viện đã không ngừng phấn đấu, đạt nhiều thành tựu to lớn trong giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước. Học viện đã đóng góp một cách thiết thực cho sự nghiệp CNH, HĐH nông nghiệp và phát triển nông thôn, cung ứng cho lĩnh vực nông nghiệp hàng vạn người lao động có trình độ từ cử nhân, kỹ sư đến các trình độ cao hơn như thạc sĩ, tiến sỹ. Đội ngũ cán bộ do Học viện đào tạo vừa có trình độ chuyên môn, vừa có phẩm chất chính trị vững vàng, đã và đang là lực lượng nòng cốt trên mặt trận đưa tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất và xây dựng nông thôn mới trên khắp cả nước.
Lễ kỷ niệm 60 năm thành lập Học viện Nông nghiệp Việt Nam và đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh lần thứ hai
Trong những năm qua được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, Bộ Giáo dục và đào tạo và nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Học viện đã có những bước đột phá trên nhiều lĩnh vực. Đội ngũ trí thức giảng viên của Học viện đang ngày một lớn mạnh về số lượng và chuẩn hoá về chất lượng. Trong 634 giảng viên có tới 41 giáo sư và 208 phó giáo sư, tính đến nay có 117 nhà giáo được phong tặng danh hiệu nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú. Học viện đang đào tạo 59 ngành và 86 chuyên ngành ở các chương trình bậc đại học, 34 chuyên ngành đào tạo ở bậc thạc sĩ và 19 chuyên ngành ở bậc tiến sĩ. Đội ngũ giảng viên với các thành tích nổi bật trong giáo dục đào tạo cũng như nghiên cứu khoa học và cung cấp các dịch vụ, sản phẩm nông nghiệp uy tín, chất lượng đã và đang đóng góp to lớn vào sự nghiệp xây dựng và phát triển nông nghiệp, nông thôn hiện nay.
Vai trò của đội ngũ trí thức giảng viên của Học viện Nông nghiệp Việt Nam được xác định cụ thể như sau:
Một là: Đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao cho lĩnh vực sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn. Đội ngũ giảng viên của Học viện trước hết phải thực hiện tốt vai trò là một nhà giáo dục, cùng nhà trường đào tạo các thế hệ sinh viên - những người lao động trực tiếp trong lĩnh vực nông nghiệp, quản lý kinh tế nông nghiệp và xây dựng xã hội nông thôn.
Hai là: Nghiên cứu, ứng dụng khoa học - kỹ thuật và công nghệ vào quá trình sản xuất nông nghiệp, xây dựng và phát triển nông thôn.
Ba là: Cung cấp các sản phẩm và dịch vụ nông nghiệp, đáp ứng nhu cầu của bà con nông dân, của các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp.
Từ vai trò cụ thể của đội ngũ trí thức Học viện cùng với những yêu cầu và thách thức mới của sự nghiệp CNH, HĐH đất nước, của công cuộc xây dựng nông thôn mới xã hội chủ nghĩa cho thấy Học viện cần phải xây dựng chiến lược phát triển đội ngũ giảng viên đông đảo về số lượng, đảm bảo về chất lượng và hợp lý về cơ cấu để xứng tầm với vị thế là một trường đại học đầu ngành trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, để họ thực sự trở thành đội ngũ tinh hoa nhất, với trình độ chuyên môn cao, có đạo đức và phẩm chất chính trị vững vàng, tâm huyết với sự nghiệp giáo dục và khoa học, tiếp tục góp phần hoàn thành thắng lợi sự nghiệp CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn nước ta trong thời gian tới.
Nguyễn Thị Thanh Hòa - Khoa KHXH