ThS. Hà Thị Yến

Khoa Khoa học xã hội

            Năm 1986, chính sách “Đổi mới” được ban hành tại Đại hội Đảng lần thứ VI. Với chính sách đổi mới, khu vực kinh tế tư nhân đã được chính thức công nhận là một bộ phận cấu thành của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Từ Đại hội Đảng VI đến nay, quan điểm về phát triển kinh tế tư nhân không ngừng được bổ sung và hoàn thiện. Sự đổi mới trong tư duy của Đảng được thể hiện trong nhiều văn bản nghị quyết và chiến lược, đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế tư nhân. Vị trí và vai trò của kinh tế tư nhân đã được Đảng và Nhà nước nhận thức đúng đắn. Nhờ vậy, khu vực kinh tế tư nhân không ngừng lớn mạnh, trở thành một trong những nhân tố chính tạo nên sự tăng trưởng kinh tế nhanh. Trải qua hơn 30 năm đổi mới, kinh tế tư nhân đã không chỉ dần được phục hồi mà còn có những bước phát triển cả về số lượng và chất lượng. Từ năm 2000 đến năm 2020, số lượng doanh nghiệp (chủ yếu là doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân, chiếm gần 97%) đã tăng hơn 10 lần, từ 42.300 doang nghiệp năm 2000 [5, tr.5] lên 659.400 doanh nghiệp năm 2020 [4, tr.72]. Tính đến thời điểm 31/12/2020, số doanh nghiệp tư nhân tăng 35% so với năm 2016, bình quân giai đoạn này mỗi năm tăng 7.8% (tương đương 42.700 doanh nghiệp/năm) [4, tr.72].Khu vực kinh tế tư nhân đang từng bước phát triển khẳng định vị trí, vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Theo số liệu của Tổng cục thống kê, giai đoạn từ 2010 đến 2017, khu vực kinh tế tư nhân chiếm một tỷ lệ khá lớn trong nền kinh tế (xấp xỉ 40%). Cụ thể, năm 2010: 38.97% GDP; năm 2015: 39.21%; năm 2020: 39.19%. So với các khu vực kinh tế khác, kinh tế tư nhân luôn chiếm tỷ lệ cao nhất. Không chỉ đóng góp cho sự tăng trưởng kinh tế, khu vực kinh tế tư nhân còn đóng góp chính trong việc tạo công ăn việc làm, giảm nghèo, cải thiện điều kiện sống, tăng trưởng bền vững và toàn diện ở Việt Nam.

Những thành tựu và tiến bộ của khu vực kinh tế tư nhân dưới sự lãnh đạo của Đảng và quản lý‎ của Nhà nước là quá rõ ràng và không thể phủ nhận. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đó, khu vực kinh tế tư nhân vẫn còn những tồn tại, hạn chế, có thể kể đến một vài hạn chế sau:

Thứ nhất, năng suất lao động của khu vực kinh tế tư nhân thấp. Điều này là do, thành phần chủ yếu trong khu vực kinh tế này là các doanh nghiệp nhỏ, các hộ kinh doanh cá thể. Trong đó, kinh tế hộ vẫn chiếm một tỷ lệ lớn trong khu vực này.  Trong lĩnh vực doanh nghiệp, thì doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng là chủ yếu. Theo số liệu của Tổng cục thống kê, trong tổng số các doanh nghiệp đang hoạt động có tới 98.1% là doanh nghiệp vừa và nhỏ (thậm chí có doanh nghiệp siêu nhỏ), số doanh nghiệp lớn chỉ chiếm 1.9% [3, tr.22].

Thứ hai, hiệu quả hoạt động của kinh tế tư nhân chưa cao. Từ năm 2011 đến nay, hệ số ICOR (hệ số sử dụng vốn đầu tư) của kinh tế tư nhân giao động từ 5-6, mức này cơ bản bằng với hệ số ICOR của toàn bộ nền kinh tế. Tuy nhiên, ICOR của kinh tế tư nhân so với khu vực có vốn FDI vẫn cao hơn, cho thấy hiệu quả đầu tư của kinh tế tư nhân trong nước chưa bắt kịp với những doanh nghiệp nước ngoài [1].

Thứ ba, khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Khảo sát doanh nghiệp năm 2015 cho thấy, có 22% các doanh nghiệp ở khu vực tư nhân cho biết việc tiếp cận với nguồn tài chính, tín dụng là một trở ngại lớn đối với họ [2, tr.32]. Thực tế, khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp tư nhân, nhất là khu vực doanh

            Như vậy, sau hơn 30 năm đổi mới, kinh tế tư nhân ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được khu vực kinh tế tư nhân vẫn còn những tồn tại và hạn chế, để góp phần khắc phục những hạn chế, bất cập trên, cần thực hiện những vấn đề sau:

Một là, tăng cường các chính sách tài chính hỗ trợ khu vực kinh tế tư nhân ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, kinh doanh nhằm tăng giá trị sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Hai là, Nhà nước cần ban hành chính sách ưu đãi thuế hỗ trợ phát triển khu vực kinh tế tư nhân, trọng tâm là hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa - bộ phận lớn của kinh tế tư nhân nhưng năng lực còn hạn chế.

Ba là, xây dựng các chương trình, gói tín dụng với lãi suất hợp lý; đẩy mạnh hơn nữa hoạt động của Quỹ Phát triển, Quỹ Bảo lãnh tín dụng, các Quỹ Đầu tư khởi nghiệp sáng tạo… nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho khu vực kinh tế tư nhân tiếp cận nguồn vốn để phát triển bền vững.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] T. Anh (2019), Tồn tại và giải pháp cho phát triển kinh tế tư nhân ở Việt Nam, Tạp chí Tài chính điện tử, truy cập ngày 18/07/2019 http://tapchitaichinh.vn/nghien-cuu-trao-doi/ton-tai-va-giai-phap-cho-phat-trien-kinh-te-tu-nhan-o-viet-nam-310077.html.

[2] Lê Duy Bình (2018), Kinh tế tư nhân Việt Nam – Năng suất và thịnh vượng http://www.economica.vn/Content/files/PUBL%20%26%20REP/Viet%20Nam%20Private%20Sector%20VIE.pdf].

[3] Tổng cục thống kê (2018), Kết quả tổng điều tra kinh tế năm 2017, Nhà xuất bản thống kê, Hà Nội.

[4] Tổng cục thống kê (2021), Kết quả điều tra kinh tế năm 2021 (kết quả sơ bộ), NXB Thống kê 2022.

[5] Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, chuyên đề số 18: Phát triển kinh tế tư nhân và cơ cấu lại nền kinh tế trong điều kiện cách mạng công nghiệp 4.0, năm 2018.