Tháng 3, trong tiết trời xuân hòa cùng không khí rộn ràng kỉ niệm 115 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ (8/3/1910-8/3/2025) và 1985 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng, thực hiện công văn số 507/CĐN-TGNC ngày 10/2/2025 của Công Đoàn Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam về tổ chức các hoạt động nhân Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3; nhằm triển khai nhiệm vụ trọng tâm công tác nữ công năm 2025 của Công đoàn Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Công Đoàn Khoa Khoa học xã hội đã tổ chúc chuyến tham quan du xuân và chào mừng ngày 8/3 tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng- Phú Thọ.
Trong tâm thức của người dân Việt, Đền Hùng – Phú Thọ vùng đất này được coi là vùng đất Tổ, là cái nôi và cội nguồn của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Với những giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học đặc biệt của Di tích, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xếp hạng Di tích lịch sử đền Hùng là di tích quốc gia đặc biệt (Quyết định số 1272/QĐ-TTg, ngày 12/8/2009).
Quần thể di tích Đền Hùng bắt đầu được xây dựng trên núi Hùng từ thời vua Đinh Tiên Hoàng (năm 968 – 979). Đền Hùng có tổng diện tích 845 ha với 4 ngôi đền, 1 ngôi chùa, 1 lăng cùng nhiều hạng mục kiến trúc khác, phân bố từ chân núi lên đến đỉnh núi, hài hòa với tổng thể cảnh quan hùng vĩ. Qua thời gian, nhiều di tích trong quần thể Đền Hùng đã được tôn tạo và xây dựng bổ sung nhưng vẫn giữ được nét cổ kính, nghiêm trang.
Đoàn cán bộ khoa Khoa học xã hội đã tham quan và tìm hiểu những di tích chính trong quần thể Đền Hùng.
Đền Hạ: được xây dựng theo kiểu chữ “nhị”, gồm tiền bái và hậu cung, mỗi toà ba gian, cách nhau 1,5m, kiến trúc đơn sơ, kèo cầu suốt, bẩy gối vào đầu kèo làm cho mái sau dài hơn mái trước. Ngay chân đền Hạ là nhà bia, với kiến trúc hình lục giác, xây dựng năm 1917, trên đỉnh có đắp hình nậm rượu, 6 mái được lợp bằng gạch bìa bên trong, bên ngoài láng xi măng, có 6 cột bằng gạch xây tròn, dưới chân có lan can. Trong nhà bia hiện nay đặt một bia đá, nội dung ghi lời dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người về thăm đền Hùng ngày 19/9/1954:
“Các Vua Hùng đã có công dựng nước,
Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.
Đền Trung (Hùng Vương Tổ miếu): được xây theo kiểu hình chữ nhất, có 3 gian, quay về hướng Nam, dài 7,2m, rộng 3,7m; mái hiên cao 1,8m. Bộ vì kiểu kèo cầu quá giang gối vào tường, phía trước mở 3 cửa.
Đền Thượng: các công trình của đền được xây dựng qua ba cấp khác nhau: phía trước là bức nghi môn lớn, nhà chuông trống, tiền tế, đại bái và hậu cung. Bên phía tay trái đền có một cột đá thề, hình vuông, cao 1,3m, rộng 0,3m.
Đền Giếng: tên chữ là Ngọc Tỉnh, nằm trên núi Nghĩa Lĩnh, được xây dựng vào thế kỷ XVIII, quay hướng Đông Nam, kiến trúc kiểu chữ Công, gồm nhà tiền bái (3 gian), hậu cung (3 gian), 1 chuôi vồ và 2 nhà oản (4 gian), có phương đình nối tiền bái với hậu cung. Cổng đền Giếng được xây vào thời Nguyễn, theo kiểu kiến trúc 2 tầng, 8 mái. Ở giữa tầng dưới có một cửa xây kiểu vòm, hai bên có hai cột trụ, trên đắp nghê chầu. Trên cổng có bức đại tự đề: “Trung sơn tiểu thất” (ngôi nhà nhỏ trong núi).
Khi đến thăm quan Đền Hùng, cán bộ khoa Khoa học Xã hội đã thực hành tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, cảm nhận sâu sắc về truyền thống cố kết cộng đồng của dân tộc Việt Nam. Những khoảnh khắc vui vẻ, ấm áp, những nụ cười rạng rỡ trong chuyến đi đã thể hiện rõ sự đoàn kết, gắn bó của các cán bộ khoa Khoa học xã hội.
Một số hình ảnh chuyến đi du xuân, chào mừng 8/3 của cán bộ Khoa Khoa học xã hội.