Hà Thị Hồng Yến, Tạ Quang Giảng

Khoa Khoa học Xã hội, Học viện Nông nghiệp Việt Nam

(Bài viết được đăng trong Kỷ yếu Hội thảo khoa học cán bộ nữ tháng 10 năm 2022)

 

TÓM TẮT

Nghiên cứu được thực hiện nhằm chỉ ra những thuận lợi và khó khăn của sinh viên nước ngoài trong quá trình tiếp cận và thực hiện công tác tổ chức và quản lí của Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Số liệu sơ cấp được tập hợp qua điều tra thực tế 50 sinh viên nước ngoài đang học tập tại Học viện trong năm học 2017- 2018. Nghiên cứu cho thấy, sinh viên nước ngoài nhận được sự trợ giúp của các Ban, Khoa chuyên môn. Tuy vậy, sinh viên cũng gặp khó khăn nhất là trong quá trình thực hiện thời khóa biểu và đăng kí môn học tín chỉ.

Từ khóa: sinh viên nước ngoài, thuận lơi, khó khăn, tổ chức quản lí

 

Foreign students accessing and implementing the administrative orgarnization of VietNam national university of agriculture

 ABSTRACT

The study figured out the advantages and disadvantages of foreign students in the process of approaching and implementing the administrative organization of the Vietnam National University of Agriculture. Primary data was collected through a survey of 50 foreign students studying at the Academy in the academic year 2017-2018. The study shows that all of the foreign students receive supports from the specialized departments and faculties. However, students still face with the difficulties in the process of implementing timetables and registering for credit courses.

Keywords: foreign students, advantages, disadvantages, administrative organization

1.ĐẶT VẤN ĐỀ

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hợp tác giáo dục và đào tạo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Những hình thức hợp tác quốc tế đa dạng đã và đang tạo ra chuyển biến tích cực đối với giáo dục bậc cao ở Việt Nam.

Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã triển khai hoạt động hợp tác quốc tế trong đào tạo và nghiên cứu từ sớm. Một trong những nội dung hợp tác hiện nay của Học viện là tiếp nhận và đào tạo các sinh viên, học viên nước ngoài. Sinh viên, học viên nước ngoài tại Học viện đến từ các quốc gia trong khu vực như Lào, Cam-pu-chia và một số nước Châu Phi như Mô-Dăm-Bích, Ăng-Gô-La. Năm học 2017-2018, số lượng sinh viên, học viên nước ngoài tại Học viện là 158 người ở cả ba cấp đào tạo: đại học, cao học và nghiên cứu sinh. Trong đó, đông nhất là sinh viên với 108 người (Ban hợp tác quốc tế, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, 2017)

Môi trường học tập tại Học viện có nhiều khác biệt, xa lạ đối với sinh viên nước ngoài. Đặc biệt là về công tác tổ chức và quản lí. Chính vì vậy, bên cạnh những thuận lợi, sinh viên còn phải đối mặt với những khó khăn, trở ngại trong quá trình tiếp cận và thực hiện công tác tổ chức, quản lí của Học viện. Những thuận lợi và khó khăn này tác động trực tiếp đến hoạt động học tập của sinh viên, tuy nhiên hiện tại chưa có nghiên cứu cụ thể nào về vấn đề này.

2.PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

2.1. Phương pháp thu thập thông tin

Thu thập thông tin thứ cấp: Nghiên cứu thu thập thông tin thứ cấp về đặc điểm tâm sinh lí của sinh viên, những thuận lợi và khó khăn của sinh viên trong học tập từ các sách, báo, đề tài khoa học. Bên cạnh đó, thông tin phục vụ cho nghiên cứu còn được khai thác qua các nguồn tư liệu là các  báo cáo của Ban Hợp tác quốc tế, Ban Quản lý đào tạo để thu thập các thông tin về số lượng sinh viên nước ngoài, kết quả học tập, sự tham gia của sinh viên nước ngoài đối với các phong trào; mức độ thực hiện công tác tổ chức và quản lí của Học viện

 Thu thập thông tin sơ cấp:

+ Điều tra bằng bảng hỏi: điều tra 50 mẫu. Trong đó, khách thể được điều tra là sinh viên các nước Lào, Cam-pu-chia, Mô-dăm-bich và Ăng-gô-la. Trong đó 33 mẫu là các sinh viên đến từ các nước Đông Nam Á; 17 mẫu là các sinh viên đến từ châu Phi. Nội dung bảng hỏi sử dụng nhằm mục đích thu thập thông tin về những thuận lợi, khó khăn của sinh viên trong tiếp cận và thực hiện công tác tổ chức, quản lí của Học viện.

            +Phỏng vấn nhóm: 2 phỏng vấn nhóm. Trong đó, mỗi nhóm gồm 5 sinh viên là sinh viên .

Các sinh viên nước ngoài được lựa chọn để tiến hành phỏng vấn nhóm được chọn ngẫu nhiên từ danh sách những sinh viên nước ngoài đang học tập tại Học viện.

+ Phỏng vấn sâu: tiến hành 12 phỏng vấn sâu. Cụ thể: phỏng vấn 1 cán bộ Ban Hợp tác quốc tế; 2 giảng viên trực tiếp giảng dạy sinh viên nước ngoài; 2 cán bộ lớp có sinh viên nước ngoài tham gia; 7 sinh viên đến từ 4 quốc gia, trong đó bao gồm 2 sinh viên Lào, 2 sinh viên Cam-pu-chia, 2 sinh viên Mô-dăm-bich và 1 sinh viên Ăng-gô-la nhằm thu thập thông tin định tính về mức độ tiếp cận và thực hiện công tác tổ chức, quản lí của Học viện.

2.2..Phương pháp xử lý và phân tích thông tin

- Phương pháp xử lý thông tin: các thông tin mang tính định tính được thiết kế dưới dạng hộp thông tin dựa trên thông tin thu được từ các câu hỏi mở trong khi phỏng vấn. Thông tin định lượng thu thập được qua điều tra bằng bảng hỏi được xử lý bằng phần mền Excel

- Phương pháp phân tích thông tin: các thông tin định tính được phân tích theo phương pháp suy luận logic thông qua nghiên cứu các báo cáo thực địa. Thông tin định lượng được phân tích bằng phương pháp thống kê, mô tả.

3.KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

3.1.Đặc điểm của sinh viên nước ngoài tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam

Sinh viên nước ngoài tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam đến từ 4 quốc gia: Lào, Cam-pu-chia, Mô-dăm-bic và Ăng-gô-la. Độ tuổi của sinh viên từ 20 đến 28, trong đó độ tuổi 22,23 chiếm số lượng đông nhất. Mức thu nhập của các gia đình sinh viên chỉ ở mức trung bình và thấp so với thu nhập trung bình quốc gia vì đa số các sinh viên đều xuất thân từ các gia đình có bố mẹ chỉ sản xuất nông nghiệp. Nguồn tài chính học tập của sinh viên đều từ học bổng hỗ trợ toàn phần của chính phủ Việt Nam. Để đạt học bổng, sinh viên nước ngoài phải đáp ứng yêu cầu về học lực.

Đa số các sinh viên có học lực khá, giỏi (tỷ lệ 78%); học lực trung bình chỉ chiếm tỷ lệ thấp. Trong đó, số lượng sinh viên có học lực giỏi của sinh viên đến từ Mô-dăm-bic và Ăng-gô-la (tỷ lệ 42%) cao hơn so với sinh viên Lào, Cam-pu-chia (tỷ lệ 12%).

Sinh viên nước ngoài đang được đào tạo tại 7 khoa trong tổng 14 khoa chuyên ngành của Học viện. Trong đó, đa số các sinh viên đều lựa chọn học các chuyên ngành về nông nghiệp như Nông học, Thú Y.

Trong học tập, xuất phát từ nhiều nguyên nhân nên mức độ tiếp thu bài của sinh viên nước ngoài còn hạn chế. Đa số các sinh viên tiếp thu bài ở mức trung bình và thấp (tỷ lệ 76%). Kết quả học tập của sinh viên nước ngoài chủ yếu đạt mức trung bình chung tích lũy là C, C+ với tỷ lệ 54%, tiếp đó là D,D+ chiếm 36%. Tỷ lệ sinh viên đạt điểm trung bình chung tích lũy đạt A, B, B+ chiếm tỷ lệ thấp (10%). (Điều tra thực tế, 2018)

3.2.Thuận lợi của sinh viên trong tiếp cận và thực hiện công tác tổ chức, quản lí của Học viện

Thuận lợi trong tiếp cận và thực hiện công tác tổ chức, quản lí của sinh viên nước ngoài được khảo sát ở hai tiêu chí đó là: trợ giúp từ các ban, khoa chuyên môn và thuận lợi trong quá trình liên hệ với các ban, khoa chuyên môn.

Bảng 1. Thuận lợi của sinh viên trong tiếp cận công tác tổ chức và quản lí

của Học viện

Những thuận lợi

Lượt chọn

 

Tỷ lệ (%)

Trợ giúp từ các Ban, Khoa chuyên môn

50

100

Liên hệ với Ban, Khoa chuyên môn

43

86

Nguồn: số liệu điều tra thực tế tháng 6 năm 2018

Kết quả khảo sát cho thấy, sinh viên nước ngoài tại HVNNVN có được những thuận lợi cơ bản và hỗ trợ tích cực từ phía Học viện. Trong đó, tất cả các mẫu khảo sát đều cho rằng họ nhận được sự trợ giúp từ các Ban, Khoa chuyên môn trong Học Viện như: Ban Hợp tác Quốc tế, Khoa chuyên môn mà sinh viên nước ngoài học như Khoa Nông học, Khoa Thú y, Khoa Kinh tế và Phát triển nông thôn… Trong đó, sự trợ giúp cụ thể đối với sinh viên nước ngoài là bố trí nơi ở, giải đáp các thắc mắc và hướng dẫn giải quyết các thủ tục hành chính….“Mỗi khi gặp vướng mắc trong học tập hay giải quyết các thủ tục hành chính em thường gặp các thấy, cô trong Ban Hợp tác Quốc tế. Các thầy, cô giúp đỡ em rất nhiệt tình” (PVS, 2018)

Điều tra thực tế tại HVNNVN có đến 42 mẫu điều tra (tỷ lệ 84%) cho rằng những thắc mắc, khó khăn trong học tập của họ phản ánh với các Ban chuyên trách, khoa chuyên môn của Học viện đều được giải quyết. Như vậy có thể thấy những sinh viên nước ngoài khá hài lòng với sự quan tâm kịp thời của Học viện. Bên cạnh đó cũng cho thấy sự nỗ lực của các Ban chuyên trách, Khoa chuyên môn của Học viện trong công tác quản lí sinh viên nước ngoài…“Khoa Nông học có đội ngũ các trợ lý chuyên trách về từng vấn đề liên quan đến quá trình học tập của sinh viên nước ngoài, bao gồm cả học tập, nơi ở.  Sinh viên nước ngoài mới đến học tập tại Khoa Nông học luôn được Trợ lý của Khoa trực tiếp gặp và nói chuyện, và cử sinh viên Việt Nam đưa các bạn ấy đi xem cơ sở vật chất và các phòng liên quan đến việc học tập của các bạn người nước ngoài. Bất cứ khi nào các bạn lưu học sinh gặp vấn đề đều có thể đến trực tiếp để trao đổi” (PVS, 2018)

3.2. Khó khăn trong tiếp cận và thực hiện công tác tổ chức, quản lý của Học viện

Trong một môi trường học tập hoàn toàn mới, sinh viên nước ngoài gặp một số khó khăn trong thực hiện nội quy, quy định của Học viện. Nghiên cứu cho thấy, các sinh viên nước ngoài gặp những khó khăn chủ yếu trong tiếp cận, thực hiện công tác tổ chức quản lý và thực hiện nội dung chương trình đào tạo.

*Khó khăn trong thực hiện thời khóa biểu, đăng kí môn học và liên hệ với các đơn vị quản lí.

            Khó khăn lớn nhất của sinh viên nước ngoài trong thực hiện công tác quản lý của Học viện là thực hiện thời khóa biểu. Trong số 50 mẫu điều tra, có đến 30 lượt chọn gặp khó khăn trong thực hiện thời khóa biểu (Bảng 2). Các sinh viên nước ngoài cho rằng, thời khóa biểu học tập trong một số kì học rất dày đặc, lịch học kín cả tuần khiến cho việc thực hiện gặp nhiều khó khăn. Tuy lịch học hoàn toàn do sinh viên chủ động lựa chọn nhưng do việc đăng kí tín chỉ khó khăn cùng với đó là mong muốn hoàn thành nhanh chương trình học nên sinh viên thường học tất cả những môn học đăng kí được.

Bảng 2. Khó khăn trong thực hiện công tác tổ chức, quản lý của Học Viện

Khó khăn

Lượt chọn

(N=50)

Tỷ lệ

(%)

Đăng kí môn học

26

52

Liên hệ với khoa chuyên môn, các tổ chức của Học viện

7

14

Thực hiện thời khóa biểu

30

60

Nguồn: số liệu điều tra thực tế tháng 6 năm 2018

Bên cạnh đó, sinh viên cũng gặp khó khăn về thời gian học. Số liệu khảo sát thực tế cho thấy: 56% mẫu khảo sát gặp khó khăn vì thời gian học như: thời gian học quá sớm, thời gian học kết thúc muộn.

             Ngoài ra, sinh viên nước ngoài cũng gặp khó khăn trong thực hiện lịch thi kết thúc học phần. Số lượng học phần sinh viên đăng kí nhiều nên dẫn đến lịch thi kết thúc học phần cũng dày đặc khiến sinh viên khó có thể ôn tập kiến thức một cách tốt nhất trước khi thi…“Kì vừa rồi em đăng kí 25 tín chỉ vì vậy nên lịch học của em phủ kín các ngày trong tuần. Thêm vào đó là lịch đi thực hành và rèn nghề rất nhiều nên em gần như không có thời gian để giải trí. Vì học nhiều môn nên lịch thi cũng rất gần nhau, khoảng 2 ngày em lại thi một môn nên thời gian dành cho việc ôn thi từng môn là rất ít” (PVS, 2018)

Bảng số liệu cũng cho thấy  sinh viên nước ngoài gặp khó khăn trong quá trình đăng kí môn học (tỷ lệ 52%). Đây cũng là khó khăn chung của hầu hết  tất cả các sinh viên học theo hình thức tín chỉ.  Nguyên nhân được lí giải là do khi đăng kí môn học, các sinh viên phải đăng kí online, số lượng người truy cập mạng cùng một lúc rất đông trong khi mạng lưới cơ sở hạ tầng thông tin còn hạn chế. Vì vậy thường xảy ra hiện tượng quá tải, khó đăng kí… “Khi đăng kí tím chỉ thì rất khó vì mạng luôn bị nghẽn, đặc biệt là với những môn học chung. Có những môn phải 3 kì liên tiếp em mới đăng kí được”(PVS, 2018)

            *Khó khăn trong thực hiện chương trình, nội dung đào tạo

- Khó khăn trong thực hiện chương trình đào tạo:

            Một trong những khó khăn trong học tập của sinh viên nước ngoài đó là thực hiện nội dung chương trình đào tạo. Kết quả nghiên cứu cho thấy, sinh viên nước ngoài thấy rất khó khăn khi trong chương trình đào tạo nhóm các học phần chung (bao gồm Nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin, Pháp luật đại cương, Tư tưởng Hồ Chí Minh …) sinh viên lại học ngay trong năm đầu tiên. Khảo sát 50 đơn vị mẫu cho thấy có đến 75% sinh viên cho rằng họ gặp khó khăn trong học tập các học phần chung.

Theo sinh viên nước ngoài, nội dung những học phần này khá dài, kiến thức lại trừu tượng, xa lạ trong khi khả năng tiếng Việt còn hạn chế nên sinh viên nước ngoài thường có kết quả thấp…“ Em thấy học các môn nhóm Lý luận Chính trị và Xã hội là khó nhất. những môn này kiến thức dài và khó lắm. Ví dụ như môn Nguyên Lý 1, em không thể hiểu được bài. Môn Tư tưởng Hồ Chí Minh thì lại rất nhiều kiến thức về lịch sử của Việt Nam nên em cũng không hiểu. Những môn này lại học ngay năm đầu tiên, tiếng Việt của em chưa tốt nên em học kém. Cũng may là những môn này đều thi trắc nghiệm nên cũng đỡ vất vả hơn”(PVS, 2018)

-Khó khăn trong tiếp cận nội dung học phần:

Sinh viên nước ngoài cũng cho rằng họ gặp khó khăn về nội dung của từng học phần. Bao gồm: lượng kiến thức nhiều, kiến thức học phần thiếu tính cập nhật, phần lý thuyết nhiều, thiếu thực hành:

Bảng 3. Khó khăn về nội dung học phần

Khó khăn về nội dung
học phần

Đông Nam Á

(N = 33)

Châu Phi

(N=17)

Tổng

Lượt chọn

Tỷ lệ (%)

Lượt chọn

Tỷ lệ (%)

Lượt chọn

Tỷ lệ (%)

Lượng kiến thức nhiều

12

36,4

7

41,2

19

38

Kiến thức học phần thiếu
tính cập nhật

7

21,2

3

17,6

10

20

Phần lý thuyết nhiều,
thiếu thực hành

16

48,5

9

52,9

25

50

Nguồn: số liệu điều tra thực tế tháng 6 năm 2018

Khó khăn xuất phát từ nhiều học phần nội dung lý thuyết quá nhiều, thiếu thực hành có tỷ lệ lựa chọn cao nhất (50%). Sinh viên nước ngoài cho rằng, nội dung lý thuyết nhiều trong một học phần khiến cho sinh viên rất khó nhớ kiến thức được học và cũng rất nhanh quên kiến thức. Tiếp đó, lượng kiến thức trong một học phần nhiều cũng là một trở ngại trong quá trình học tập của sinh viên, có tỷ lệ 38% số mẫu điều tra cho rằng đây là khó khăn mà họ gặp phải trong quá trình tích lũy kiến thức.  Khi lý giải về khó khăn này sinh viên nước ngoài cho rằng khi học ở phổ thông các môn học thường có nội dung ngắn gọn và là những nội dung kiến thức cơ bản, dễ tiếp nhận. Trong khi đó, nội dung học tập tại bậc đại học lại mang tính chuyên ngành, đa dạng và phức tạp chính, khả năng tiếng Việt chưa tốt. Vì vậy sinh viên  chưa thể thích ứng kịp, cần phải mất một thời gian khá dài.

Tuy nhiên, cũng có thể thấy đây không phải là một khó khăn với đa số sinh viên nước ngoài. Đồng thời cũng khẳng định sự đổi mới trong sắp xếp nội dung học phần, đáp ứng nhu cầu đổi mới giáo dục đại học theo hướng chuyển từ nặng về trang bị kiến thức sang trang bị kĩ năng và khả năng thực hành nghề nghiệp cho sinh viên của Học viện trong những năm gần đây.

4.KẾT LUẬN

Trong quá trình học tập tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam, sinh viên nước ngoài đã có sự thích ứng với môi trường học tập mới. Thuận lợi cơ bản của sinh viên nước ngoài khi tiếp cận và thực hiện công tác tổ chức, quản lí của Học viện là nhận được sự trợ giúp trong nhiều lĩnh vực và dễ dàng liên hệ với các Ban, Khoa chuyên môn trong Học viện. Tuy vậy, khó khăn mà sinh viên phải đối mặt tập trung ở hai nhóm: khó khăn trong thực hiện công tác tổ chức của Học viện; khó khăn trong thực hiện chương trình, nội dung đào tạo. Trong đó, khó khăn cụ thể có tỷ lệ sinh viên lựa chọn cao nhất là việc thực hiện thời khóa biểu và lịch thi của Học viện. Những khó khăn trong quá trình tiếp cận và thực hiện công tác tổ chức quản lí của Học viện có tác động không nhỏ đến kết quả học tập của sinh viên nước ngoài. Chính vì vậy, sinh viên nước ngoài cần sự nỗ lực khắc phục khó khăn, thích ứng tốt để đạt kết quả học tập. Bên cạnh đó, sinh viên cũng rất cần sự quan tâm, trợ giúp đặc biệt trong đăng kí học, sắp xếp thời khóa biểu học và thi từ Ban Quản lí Đào tạo; đổi mới cách tổ chức cũng như nội dung đối với các học phần chung để tạo thuận lợi cho sinh viên tiếp cận.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.Ban hợp tác quốc tế, Học viện Nông nghiệp Việt Nam (2017), Danh sách lưu học sinh năm học 2017 – 2018.

2.Trương Thị Ngọc Điệp, Huỳnh Minh Hiền, Võ Thế Hiện, Hồ Phương Thùy ( 2012), Thuận lợi và khó khăn trong học tập của sinh viên năm nhất tại Trường Đại học Cần Thơ,  Tạp chí khoa học Trường Đại học Cần Thơ: Khoa học xã hội và nhân văn, số 21a (2012) trang 78-91.

3.Bùi Hữu Đức (2017), Sự thích ứng cuộc sống của du học sinh tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Khóa luận tốt nghiệp, Học viện nông nghiệp Việt Nam.

4.Nguyễn Thị Tứ, Đào Thị Duy Duyên (2013), Những khó khăn trong cuộc sống của sinh viên năm nhất trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh, Tạp chí Khoa học Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh, số 50 năm 2013,trang 120-130.

Hình ảnh các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại  Hội thảo

leftcenterrightdel