Tiếp nối những kết quả nghiên cứu về quản lí nhà nước, nhóm nghiên cứu mạnh Chính sách và Phát triển xã hội nông thôn, khoa Khoa học Xã hội đã tổ chức Seminar khoa học với 2 chuyên đề: “Hoạt động của chính quyền địa phương ở xã”  do Thạc sĩ Đỗ Thị Kim Hương trình bày và chuyên đề “Quyền sở hữu, quyền sử dụng đối với đất nông nghiệp theo quy định pháp luật Việt Nam hiện hành” được trình bày bởi Thạc sĩ Nguyễn Thị Minh Nguyệt.

Trong thời gian qua, tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương xã đã có nhiều đổi mới, chất lượng hoạt động ngày càng được nâng lên. Tuy nhiên, hoạt động của chính quyền địa phương đã bộc lộ những hạn chế cần được khắc phục, việc tiếp tục xem xét đổi mới tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương xã là một trong những nhiệm vụ quan trọng, nhằm thể chế đường lối, chủ trương của Đảng, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước ở địa phương trong giai đoạn hiện nay. Chính vì vậy, nghiên cứu “Hoạt động của chính quyền địa phương ở xã” đã tập trung khái quát về đơn vị hành chính ở xã; Thực trạng tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương ở xã  từ đó xác định một số giải pháp đổi mới tổ chức và hoạt động của chính quyền ở xã. Nghiên cứu cũng gợi mở một số những vấn đề phát sinh trong thực tiễn hoạt động của chính quyền địa phương ở xã để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chuyển đổi số quốc gia.

Đất đai, ruộng đất được mọi quốc gia xác định là một loại tài sản đặc biệt, việc xác định khuôn khổ pháp lý về quyền sử dụng, quyền sở hữu đất đai trong đó có đất nông nghiệp là một vấn đề quan trọng. Chuyên đề “Quyền sở hữu, quyền sử dụng đối với đất nông nghiệp theo quy định pháp luật Việt Nam hiện hành”, tác giả đã hệ thống hoá lí luận về quyền sở hữu, quyền sử dụng đất nông nghiệp; hệ thống quy định của pháp luật hiện hành về quyền sở hữu, quyền sử dụng đất nông nghiệp. Trong đó, tập trung vào nội dung quy định trong các văn bản Luật như: Luật Đất đai năm 1987, Luật Đất đai năm 1993 (sửa đổi, bổ sung năm 2001), Luật Đất đai năm 2003 và Luật Đất đai năm 2013. Từ đó khẳng định: sở hữu đất đai là sở hữu toàn dân do Nhà nước thống nhất quản lý; quyến sử dụng chỉ xuât hiện khi tổ chức, cá nhân được Nhà nước trao cho quyền sử dụng đối với đất nông nghiệp; quyền sử dụng được mở rộng tối đa và gần ngang bang với quyền sở hữu.

Buổi sêminar đã nhận được ý kiến thảo luận sôi nổi của các thành viên tham dự. Đây chính là những gợi ý để các tác giả có thêm những nghiên cứu chuyên sâu hơn nữa trong thời gian tới.

leftcenterrightdel
 

Nhóm nghiên cứu mạnh Chính sách và Phát triển xã hội nông thôn - Khoa KHXH