1.     Bối cảnh quốc tế

1.1.         Quá trình ra đời của Liên minh Quốc tế về Bảo hộ Giống cây trồng Mới (UPOV) và quy định về đặc quyền của nông dân

Công ước Pari năm 1883 là văn kiện pháp lý quốc tế đầu tiên ghi nhận quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) trong lĩnh vực công nghiệp, đồng thời mở rộng bảo hộ đến các đối tượng sáng tạo trong lĩnh vực công nghiệp chế biến từ các sản phẩm tự nhiên có nguồn gốc nông nghiệp. 50 năm tiếp theo, Hoa Kì và các quốc gia Châu Âu đã nỗ lực để mở rộng bảo hộ quyền SHTT đối với lĩnh vực nông nghiệp trong khuôn khổ pháp luật quốc gia của mình. Trong đó phải kể đến Đạo luật Sáng chế Thực vật được Hoa Kỳ ban hành vào năm 1930 nhằm công nhận quyền SHTT đối với cây trồng nhân giống vô tính.

Năm 1961, Liên minh Quốc tế về Bảo hộ Giống cây trồng Mới (UPOV) ra đời. Giống cây trồng được bảo hộ phải đảm bảo đáp ứng tiêu chí “mới”, “khác biệt”, “đồng nhất” và “ổn định” (Điều 6, 7, 8, 9 Công ước UPOV). Đối tượng bảo hộ của quyền đối với giống cây trồng bao gồm cả vật liệu nhân giống (cây hoặc bộ phận của cây có khả năng phát triển thành một cây mới dùng để nhân giống hoặc để gieo trồng) và vật liệu thu hoạch (cây hoặc bộ phận của cây thu được từ việc gieo trồng vật liệu nhân giống) (Khoản 1 và Khoản 2 Điều 14 Công ước UPOV). Như vậy, đặc quyền của chủ bằng bảo hộ giống cây trồng sẽ tồn tại trong suốt các chu kì nhân giống của giống cây trồng được bảo hộ. Điều 5 của Công ước UPOV năm 1961 giới hạn quyền của chủ bằng bảo hộ giống cây trồng bằng việc quy định lợi ích của người nông dân. Hành vi giữ giống của người nông dân từ sản phẩm thu hoạch trên mảnh ruộng của mình để trao đổi cho nhau hoặc để gieo trồng cho mùa vụ sau không được coi là nhằm mục đích thương mại, do đó không được coi là vi phạm quyền của chủ bằng bảo hộ giống cây trồng. Tuy nhiên, đặc quyền đó không tồn tại một cách ổn định qua các lần sửa đổi Công ước UPOV vào năm 1972, 1978 và năm 1991. Hiện tại có lần sửa đổi chính vào năm 1978 và 1991 chi phối các bên tham gia Công ước.

Công ước UPOV sửa đổi năm 1978 không thay đổi quy định về đặc quyền của nông dân. Tuy nhiên, Công ước sửa đổi hạn chế quyền của chủ bằng bảo hộ giống cây trồng trên cơ sở lợi ích công cộng để ngăn chặn tình trạng độc quyền. Điều khoản này gián tiếp đề cập đến quyền của người nông dân trong bối cảnh an ninh lương thực. Khía cạnh này cũng được thể hiện trong Công ước UPOV sửa đổi năm 1991.

Lần sửa đổi thứ ba của UPOV vào năm 1991 cho phép các quốc gia thành viên được lựa chọn đưa hay không đưa, đưa ở mức độ nào vào trong khuôn khổ pháp luật quốc gia về đặc quyền của người nông dân đối với việc giữ giống. Cụ thể, Khoản 2 Điều 15 Công ước UPOV quy định: “mỗi Bên tham gia, trong phạm vi giới hạn hợp lý và với mục đích bảo vệ lợi ích chính đáng của chủ thể tạo giống, có thể hạn chế quyền của chủ thể tạo giống liên quan tới bất kỳ giống cây trồng nào nhằm cho phép nông dân sử dụng sản phẩm thu hoạch từ việc trồng giống được bảo hộ trên thửa đất của mình cho mục đích nhân giống trên chính thửa đất đó”. Theo đó, cũng như tinh thần Công ước năm 1961, các quốc gia có thể cho phép nông dân sử dụng sản phẩm thu hoạch của giống được bảo hộ trên ruộng của họ để phục vụ mục đích nhân giống cho mùa sau, tuy nhiên, hạn chế hơn so với Công ước năm 1961, đặc quyền đó phải được điều chỉnh “trong giới hạn hợp lý và đảm bảo lợi ích hợp pháp của chủ thể tạo giống”.

1.2.         Các quan điểm ủng hộ và phản đối UPOV trên phương diện quyền của người nông dân

UPOV mang lại quyền lợi cho người nông dân nói riêng và nền nông nghiệp quốc gia nói chung.

Sự ra đời của UPOV nhằm mục đích giảm bớt rào cản đối với thương mại quốc tế trong nông nghiệp bằng cách mở cửa thị trường các nước đang phát triển cho giống lai. UPOV thúc đẩy tạo ra các giống mới hoặc các giống cây trồng biến đổi gen có khả năng loại bỏ những khiếm khuyết truyền thống trong nông nghiệp để mang lại những đặc tính hữu ích như kháng sâu bệnh, chống chịu thời tiết và cải thiện năng suất. Các giống cải tiến theo đó sẽ nâng cao sản lượng, chất lượng của sản phẩm nông nghiệp bán ra thị trường, mang lại lợi ích to lớn cho người nông dân. Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng được hưởng lợi từ sự đa dạng về chủng loại cây trồng. Đặc biệt, với các tính năng ưu việt trong việc cải thiện năng suất và chống chịu thời tiết, sâu bệnh, các giống cây trồng mới là lời giải cho bài toán an ninh lương thực ở nhiều quốc gia đang phát triển.[1]

Tuy nhiên, UPOV là cơ chế thiếu công bằng đối với người nông dân nói riêng và các quốc gia đang phát triển nói chung.

Trước khi công nghệ sinh học ra đời để tạo giống cây trồng mới, trong nhiều thế kỉ, người nông dân bản địa đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì và phát triển sự đa dạng của các giống cây trồng, đảm bảo nguồn cung cấp lương thực toàn cầu. Quá trình người nông dân "truyền thống" thuần chủng giống cây trồng cũng là quá trình lựa chọn các "đột biến ngẫu nhiên xảy ra trong tự nhiên" để phát triển thành các giống đáp ứng nhu cầu lương thực, thực phẩm, nhưng hiếm khi họ đáp ứng được yêu cầu về “tính ổn định”, “tính đồng nhất” để có thể được cấp bằng bảo hộ đối với giống cây trồng.[2] Trong khi đó, các công ty lớn ở các nước phát triển sử dụng vật liệu nhân giống do nông dân bản địa tạo ra để lai tạo các giống cây trồng mới được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, người nông dân không nhận được sự đền bù thỏa đáng do UPOV không tạo ra cơ chế chia sẻ lợi ích giữa chủ bằng bảo hộ giống cây trồng mới và người nông dân tạo ra giống cây trồng bản địa. Ở cấp độ vĩ mô hơn, dòng chảy của các nguồn gen từ các nước đang phát triển sang các nước phát triển có xu hướng không được bù đắp, trong khi đó việc thương mại hóa các giống cây trồng đã được chuyển gen của các nước phát triển cho các nước đang phát triển lại mang chiều hướng ngược lại.[3]  

Đối với các quốc gia đang phát triển, nông nghiệp có mối quan hệ chặt chẽ với nền kinh tế quốc dân. So với các nước phát triển, dân số trong lĩnh vực nông nghiệp ở các nước đang phát triển luôn chiếm tỉ lệ lớn. Do vậy, nông nghiệp vẫn là nguồn thu nhập chính của người dân nói chung ở các nước đang phát triển. Trên quan điểm đó, các quốc gia đang phát triển cho rằng các đặc thù của nông nghiệp và tác động của chúng đối với nền kinh tế của họ đòi hỏi phải ưu tiên mục tiêu quốc gia, đặc biệt là vấn đề an ninh lương thực, khi đưa khuôn khổ bảo hộ giống cây trồng vào hệ thống pháp luật quốc gia. Thực tế, việc đưa vào thị trường các giống cây trồng mới sẽ làm giảm tính cạnh tranh của các giống cây trồng bản địa, khiến người nông dân và nền nông nghiệp nói chung dần phụ thuộc vào các giống cây trồng mới. Theo đó, tiền bản quyền trả cho chủ bằng bảo hộ giống cây trồng theo chu kì nhân giống sẽ làm gia tăng đáng kể giá thành lương thực, khiến nguy cơ mất an ninh lương thực tại các quốc gia đang phát triển tăng cao.[4]  

1.3.         Cơ chế tiếp cận và chia sẻ lợi ích (ABS) trong Công ước Đa dạng sinh học (CBD) và Quyền nông dân trong diễn đàn của Tổ chức Lương thực thế giới (FAO)

Trong khi các giống được lai tạo bằng sự can thiệp của công nghệ tiên tiến khiến chủ thể lai tạo được cấp bằng bảo hộ sở hữu trí tuệ, sự đóng góp của nông dân truyền thống vào các giống cây trồng không được công nhận. Do đó, cần phải có cơ chế để ghi nhận những đóng góp của họ. Năm 1992, Công ước Đa dạng sinh học (CBD) được thông qua. Điều 8 (j) của Công ước ghi nhận sự đóng góp của cộng đồng và người dân bản địa trong việc bảo tồn và gìn giữ tài nguyên sinh vật. Bên cạnh đó, Điều 8(j) công nhận quyền của cộng đồng và người dân bản địa được chia sẻ công bằng và bình đẳng đối với những lợi ích phát sinh từ việc sử dụng kiến thức bản địa đối với tài nguyên sinh vật. Như vậy, theo tinh thần Công ước, áp dụng trong lĩnh vực giống cây trồng, người nông dân bản địa phải được chủ thể lai tạo giống chia sẻ lợi ích nếu giống được tạo ra có nguồn gốc từ giống cây trồng bản địa. Cơ chế chia sẻ lợi ích này được coi là một thành phần quan trọng trong việc thực hiện quyền của nông dân.

Trên diễn đàn của Tổ chức Lương thực thế giới (FAO), khái niệm về quyền của nông dân được đưa ra vào những năm 1980 như một phản ứng trước xu hướng ngày càng đề cao quyền của người tạo giống cây trồng. Lập luận của FAO dựa trên thực tế là người nông dân đã tham gia vào quá trình bảo tồn và lưu giữ các nguồn gen sinh vật từ thời xa xưa. Do đó, họ xứng đáng được ghi nhận và “trả công” giống như đóng góp của nhà tạo giống trong việc phát triển giống mới. Thắng lợi của quá trình này được thể hiện qua việc hình thành Hiệp ước quốc tế về nguồn gen cây trồng trong lĩnh vực lương thực và nông nghiệp (ITPGRFA) năm 2001. Hiệp ước ghi nhận sự đóng góp to lớn của cộng đồng địa phương và bản địa nói chung, người nông dân nói riêng trong việc bảo tồn và phát triển nguồn gen thực vật (Điều 9.1). Hiệp ước công nhận các quyền sau đây với tư cách là hạt nhân của quyền nông dân; (i) quyền lưu giữ, sử dụng, trao đổi và bán hạt giống lưu giữ ở trang trại và các vật liệu nhân giống khác (Điều 9.3), (ii) quyền được chia sẻ công bằng và bình đẳng các lợi ích phát sinh từ việc sử dụng các nguồn gen thực vật làm thực phẩm và nông nghiệp, (iii) quyền tham gia vào quá trình ra quyết định quốc gia về nguồn gen thực vật [ủy thác cho các chính phủ quốc gia chịu trách nhiệm thực hiện các quyền này phù hợp với nhu cầu và ưu tiên của họ theo luật pháp quốc gia], và (iv) bảo vệ tri thức truyền thống (Điều 9.2). Cho đến nay, Hiệp ước ITPGRFA là văn kiện pháp lý quốc tế ghi nhận một cách đầy đủ nhất quyền của nông dân đối với giống cây trồng.

2. Bối cảnh Việt Nam

2.1. Quá trình hình thành quy định về quyền giữ giống của nông dân trong pháp luật sở hữu trí tuệ

Việt Nam quy định về quyền đối với giống cây trồng từ năm 2001 trong Nghị định 13/2001/NĐ-CP ngày 20 tháng 4 năm 2001 của Chính phủ về giống cây trồng mới. Mục tiêu của Nghị định nhằm “khuyến khích tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế đầu tư chọn tạo, sử dụng giống cây trồng mới; góp phần phát triển nông nghiệp và nông thôn.” (Khoản 1, Điều 1). Chủ sở hữu văn bằng bảo hộ có quyền hoặc cho phép người khác sản xuất hay nhân giống vì mục đích kinh doanh; chế biến giống vì mục đích kinh doanh; chào hàng, bán hay các hình thức kinh doanh khác; xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ nhằm thực hiện các hoạt động nêu trên (Khoản 1, Điều 11). Tuy nhiên, chủ sở hữu văn bằng bảo hộ không được sử dụng quyền của mình trong trường hợp giống sử dụng cho nhu cầu cá nhân không nhằm mục đích thương mại, giống sử dụng để lai tạo ra các cây trồng mới khác (trừ trường hợp giống đó là giống có nguồn gốc thực chất từ giống được bảo hộ) và giống sử dụng trong khuôn khổ “quyền giữ giống của nông dân” (Khoản 7 Điều 11). Quyền giữ giống của nông dân được quy định cụ thể như sau: “Nông dân gieo trồng các vật liệu nhân giống được bảo hộ lấy sản phẩm thu hoạch để làm giống cho các vụ tiếp theo tại trang trại của họ hoặc trao đổi cho nhau giữa các hộ nông dân”. Như vậy, Nghị định 13/2001/NĐ-CP mô phỏng đầy đủ quyền giữ giống của nông dân theo tinh thần Công ước UPOV ban đầu vào năm 1961, nghĩa là quyền giữ giống không bị giới hạn để gieo trồng cho mùa vụ sau trên mảnh ruộng của mình và được trao đổi với các hộ nông dân khác.

Điều đáng nói là, việc tham gia Công ước UPOV là một trong những cam kết Việt Nam phải thực hiện theo Hiệp định Thương mại Việt Nam – Hoa Kì năm 2000 (Khoản 3 Điều 1 Chương II Hiệp định Thương mại Việt Nam – Hoa Kì năm 2000). Là một quốc gia mà GDP từ ngành nông nghiệp chiếm tỷ lệ lớn, việc tham gia Công ước UPOV là thách thức không nhỏ đối với Việt Nam. Tuy nhiên, Chính phủ Việt Nam vẫn nỗ lực thực hiện các thủ tục gia nhập Công ước UPOV theo như cam kết. Ngày 18/2/2003, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã gửi văn kiện kèm theo Nghị định 13/2001/NĐ-CP yêu cầu Hội đồng Công ước UPOV xem xét tính phù hợp của pháp luật Việt Nam với Công ước UPOV năm 1991 theo thủ tục gia nhập tại Điều 34(2) của Công ước. Trong văn bản C(Extr.)/20/3 ngày 10/4/2003, đề cập tới quyền giữ giống của nông dân theo Nghị định 13/2002/NĐ-CP, Hội đồng Công ước đã nêu ý kiến[5]:

“23. Điều 11, khoản 7, đoạn b, cho phép nông dân “trao đổi” với nhau những vật liệu thu hoạch được để sử dụng cho vụ gieo trồng năm sau. Về đặc quyền của người nông dân, phạm vi của điều khoản này dường như đã vượt ra ngoài sự cân bằng lợi ích giữa chủ thể tạo giống và người nông dân theo ngoại lệ tùy chọn đối với quyền của chủ thể tạo giống được quy định tại Điều 15(2) của Công ước năm 1991.

24. Cụ thể, Điều 15(2) quy định rằng “mỗi Bên tham gia, trong phạm vi giới hạn hợp lý và với mục đích bảo vệ lợi ích chính đáng của chủ thể tạo giống, có thể hạn chế uyền của chủ thể tạo giống liên quan tới bất kỳ giống cây trồng nào nhằm cho phép nông dân sử dụng sản phẩm thu hoạch từ việc trồng giống được bảo hộ trên thửa đất của mình cho mục đích nhân giống trên chính thửa đất đó”. [nhấn mạnh]. Khuyến nghị sửa đổi nhỏ đối với khoản 7 Điều 11 của Nghị định nhằm giảm trao đổi giống, chỉ xem xét các nhu cầu cụ thể của những hộ nông dân nhỏ lẻ và tự cung tự cấp, đồng thời bảo vệ quyền lợi của chủ thể tạo giống.”

Ý kiến tư vấn của Hội đồng Công ước UPOV đã được tích hợp trong quá trình ban hành Luật SHTT năm 2005. Theo đó, tại điểm d, Khoản 1, Điều 190, “hộ sản xuất cá thể sử dụng sản phẩm thu hoạch từ giống cây trồng để tự nhân giống và gieo trồng cho vụ sau trên diện tích đất của mình” không bị coi là xâm phạm quyền đối với giống cây trồng đã được bảo hộ. Như vậy, quyền “trao đổi giống” giữa những người nông dân đã bị bãi bỏ, nhưng quyền “nhân giống trên mảnh đất của mình” của hộ sản xuất cá thể vẫn được giữ, và quyền này không giới hạn ở những hộ nông dân nhỏ lẻ, tự cung tự cấp, mà áp dụng đối với tất cả các hộ sản xuất cá thể nói chung.

Văn kiện gia nhập kèm theo Luật SHTT và dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành tiếp tục được gửi Ban Thư ký Công ước ngày 25/10/2005. Bình luận về sửa đổi liên quan đến quyền giữ giống của nông dân, trong văn bản C(Extr.)/23/2 ngày 31/3/2006, Hội đồng Công ước UPOV nêu ý kiến[6]:

“7. Điều 5(3) của Luật có tên “Áp dụng pháp luật” quy định rằng “Trong trường hợp các quy định của Điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác với quy định của Luật này thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó”. Điều 5(3) của Luật phản ánh nguyên tắc pháp lý chung, trong đó quy định rằng, trong trường hợp có mâu thuẫn giữa Công ước và Luật, Công ước sẽ được ưu tiên áp dụng (sau đây gọi là “nguyên tắc chung tại Điều 5 của Luật”). Nguyên tắc chung tại Điều 5 của Luật sẽ giải quyết bất cứ sai sót hoặc xung đột nào với nội dung của Công ước năm 1991.

25. Điều 190 (1) (d) của Luật quy định “hộ sản xuất cá thể sử dụng sản phẩm thu hoạch từ giống cây trồng để tự nhân giống và gieo trồng cho vụ sau trên diện tích đất của mình”, tương ứng với Điều 15(2) của Đạo luật năm 1991. Dự thảo Nghị định làm rõ thêm, theo yêu cầu tại Điều 15(2) của Công ước năm 1991, rằng “Chính phủ quy định chi tiết ngoại lệ tại Điều 190 (1) (d) của Luật trong phạm vi giới hạn hợp lý và đảm bảo lợi ích hợp pháp của chủ thể quyền đối với giống cây trồng".

26. Hiện tại, với việc viện dẫn nguyên tắc chung tại Điều 5 của Luật và quy định cụ thể hóa trong Dự thảo Nghị định (xem đoạn 25 ở trên), Luật tuân thủ Điều 15 của Công ước năm 1991.”

Như vậy, pháp luật Việt Nam về quyền giữ giống của nông dân được đánh giá là phù hợp với tinh thần Công ước UPOV 1991. Cùng với sự phù hợp của các nội dung khác về quyền đối với giống cây trồng trong mối tương quan với Công ước UPOV 1991, Việt Nam đủ điều kiện gia nhập và trở thành thành viên của Công ước từ ngày 24/12/2006. Tuy nhiên, dự thảo Nghị định quy định “giới hạn hợp lý và đảm bảo lợi ích hợp pháp của chủ thể quyền đối với giống cây trồng” chưa được ban hành trên thực tế cho đến thời điểm hiện tại.

2.2. Ý kiến về “giới hạn nông dân giữ giống” trong quá trình sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005

Quy định “giới hạn nông dân giữ giống” tại Luật SHTT không thay đổi sau hai lần sửa đổi Luật vào năm 2009 và năm 2019. Trong quá trình dự thảo sửa đổi Luật lần thứ ba, vấn đề “giới hạn nông dân giữ giống” là tâm điểm của nhiều cuộc tranh luận diễn ra trong và ngoài nghị trường.

Quan điểm chiếm ưu thế cho rằng “giới hạn giữ giống” theo quy định tại Luật SHTT năm 2005 là quá rộng, do đó ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của chủ thể quyền đối với giống cây trồng. Trong Báo cáo số 2331/BC-BKHCN ngày 26/8/2021 của Bộ Khoa học công nghệ về việc tổng kết việc thi hành pháp luật, đánh giá thực trạng quan hệ xã hội liên quan đến Luật Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học công nghệ đã nhấn mạnh: “Hiện nay, quy mô sản xuất của người nông dân ở Việt Nam đã lớn hơn nhiều so với thời điểm 16 năm trước, chẳng hạn ở đồng bằng sông Cửu Long, có nhiều hộ nông dân có diện tích sản xuất lúa hàng trăm hecta. Do vậy, nếu cho phép nông dân giữ giống để gieo tiếp cho vụ sau trên diện tích đất canh tác của mình sẽ ảnh hưởng lớn đến lợi ích của tác giả”. Trên quan điểm này, dự thảo Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi tại Kỳ họp thứ 2 Quốc hội 15 (tháng 10/2021) đã đưa ra định hướng sửa đổi về giới hạn nông dân giữ giống như sau:

“84. Sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 190 như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung khoản 1 như sau:

“1. Các hành vi sau đây không bị coi là xâm phạm quyền đối với giống cây trồng đã được bảo hộ:

d) Hộ sản xuất cá thể sử dụng sản phẩm thu hoạch từ giống cây trồng được bảo hộ để tự nhân giống và gieo trồng cho vụ sau trên diện tích đất mình có quyền sử dụng trong giới hạn hợp lý nhằm đảm bảo lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu đối với các giống cây trồng nhân giống từ hạt."

b) Bổ sung khoản 3 như sau:

"3. Chính phủ quy định chi tiết giới hạn cho phép hộ sản xuất cá thể tự nhân giống và gieo trồng cho vụ sau trên đất mình có quyền sử dụng  đối với cây trồng nhân giống từ hạt."

Tuy nhiên, tại dự thảo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ tháng 3 năm 2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu ý kiến “bên cạnh khu vực sản xuất quy mô lớn về cây trồng ở Đồng bằng sông Hồng, Đồng bằng sông Cửu Long, vẫn còn nhiều diện tích canh tác thuộc khu vực đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vẫn còn sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, chưa hình thành sản xuất quy mô lớn, tập trung. Do vậy, việc quy định giới hạn nông dân giữ giống chưa được tổng kết, đánh giá tác động kỹ lưỡng trên phạm vi, quy mô cả nước, có thể ảnh hưởng đến việc bảo đảm an ninh lương thực, đời sống nông dân”. Quan điểm này cũng là ý kiến được thông qua tại kì họp thứ 3 Quốc hội XV. Do vậy, giới hạn giữ giống của nông dân vẫn giữ nguyên như Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005.

leftcenterrightdel
 

PGS.TS Nguyễn Thị Trâm và giống lúa được bảo hộ quyền đối với giống cây trồng (Nguồn: Internet)

3. Cải cách pháp luật: đảm bảo an ninh lương thực, hài hòa giữa quyền của người nông dân và quyền của chủ thể được bảo hộ giống cây trồng

Như đã phân tích, tranh luận về giới hạn nông dân giữ giống trên phạm vi quốc tế xoay quanh hai vấn đề cơ bản: an ninh lương thực đối với các quốc gia đang phát triển và sự “công bằng” đối với người nông dân. Do vậy, pháp luật quốc gia quy định về giới hạn nông dân giữ giống cũng phải đảm giải quyết hai vấn đề này. Theo quan điểm của nhóm tác giả, giải pháp nên được xây dựng từ chính nội tại quy định về giới hạn nông dân giữ giống và những quy định có liên quan khác nhằm tối đa hóa phúc lợi cho người nông dân, trong khi vẫn đảm bảo lợi ích của chủ sở hữu và tác giả quyền đối với giống cây trồng.

3.1. Sửa đổi quy định về quyền giữ giống của nông dân

Mối quan ngại lớn nhất trong quá trình sửa đổi Luật liên quan đến ảnh hưởng tiêu cực đối với nông nghiệp và nông dân nếu quyền giữ giống của nông dân bị giới hạn. Đây cũng là thực tiễn, đặc biệt khi Việt Nam còn phụ thuộc lớn vào nguồn giống nhập khẩu từ nước ngoài.[1] Tuy nhiên, Điểm d Khoản 1 Điều 17 Luật Sở hữu trí tuệ về bản chất là không tương thích với Khoản 2 Điều 15 Công ước UPOV năm 1991 do không có quy định về quyền giữ giống “trong giới hạn hợp lý và để bảo vệ lợi ích hợp pháp của chủ thể tạo giống”. Như đã đề cập tại mục 2.1, sự tương thích của pháp luật Việt Nam với Khoản 2 Điều 15 Công ước UPOV năm 1991 được Hội đồng Công ước đánh giá trên cơ sở nguyên tắc áp dụng pháp luật quy định tại Khoản 3 Điều 5 Luật SHTT: “Trong trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác với quy định của Luật này thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó”. Như vậy, việc không sửa đổi luật để bảo vệ lợi ích người nông dân không mang lại tác động tích cực trên phương diện pháp lý, vì mặc nhiên quy định của Công ước có hiệu lực trực tiếp trên lãnh thổ Việt Nam khi pháp luật quốc gia mâu thuẫn với Công ước. Điều này có nghĩa là, nếu chủ thể quyền đối với giống cây trồng chứng minh được rằng lợi ích hợp pháp của mình bị ảnh hưởng do quyền giữ giống không giới hạn của hộ sản xuất cá thể, chủ thể quyền vẫn có thể viện dẫn Khoản 2 Điều 15 Công ước để bảo vệ mình.

Hơn nữa, khi pháp luật SHTT hướng tới sự cân bằng lợi ích giữa chủ thể quyền SHTT với lợi ích công chúng và lợi ích toàn xã hội nói chung, quy định về quyền giữ giống của hộ sản xuất cá thể khi không có giới hạn cụ thể sẽ khiến lợi ích công cộng có xu hướng mở rộng quá mức trong mối tương quan với lợi ích của chủ thể quyền đối với giống cây trồng. Do vậy, trong xã hội sẽ xuất hiện những chủ thể hưởng lợi một cách không thỏa đáng trên thiệt hại của chủ thể quyền đối với giống cây trồng, đó là trường hợp những hộ sản xuất có quy mô diện tích gieo trồng lớn như Bộ Khoa học công nghệ đã chỉ ra. Hơn nữa, tình trạng này cũng tạo rào cản lớn trong quá trình thực thi quyền đối với giống cây trồng, gây khó khăn trong việc kiểm soát nguồn gốc và chất lượng của giống cây trồng trên thị trường. Quy định hiện hành vô hình chung đi ngược lại xu hướng thúc đẩy xã hội tôn trọng quyền SHTT, khiến chủ thể tạo giống cây trồng ít có động lực sáng tạo.

Thêm vào đó, quy định giới hạn nông dân giữ giống hoàn toàn nằm trong phạm vi kiểm soát của quốc gia để hài hòa các mục tiêu khác nhau. Do Công ước UPOV năm 1991 trao quyền cho các quốc gia thành viên tự quyết định “giới hạn hợp lý” đối với quyền giữ giống của nông dân để bảo vệ lợi ích cho nhà tạo giống, Việt Nam có thể xác định giới hạn nông dân giữ giống phù hợp với mục tiêu đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và thiết lập sự “cân bằng” giữa nông dân và nhà tạo giống trên quan điểm SHTT. Trên cơ sở đó, để đạt được cả tính pháp lý và thực tiễn, bài toán được đặt ra trong quá trình cải cách pháp luật không phải nằm ở chỗ duy trì đặc quyền của người nông dân, mà là xác định được “giới hạn” nào là phù hợp tương ứng với từng giai đoạn cụ thể.

3.3.2. Các quy định khác có liên quan

Như đã đề cập tại mục 1.3, trên phương diện quốc tế, quyền nông dân đối với giống cây trồng được thể hiện một cách đầy đủ nhất trong Hiệp ước ITPGRFA. Việt Nam hiện chưa là thành viên của Hiệp ước ITPGRFA. Tuy nhiên, việc gia nhập Hiệp ước ITPGRFA cũng tạo ra khó khăn nhất định cho Việt Nam do phương diện thứ nhất của quyền nông dân: quyền lưu giữ, sử dụng, trao đổi và bán hạt giống lưu giữ ở trang trại và các vật liệu nhân giống khác đối lập hoàn toàn với nguyên tắc được thiết lập trong Công ước UPOV. Song với tư cách là thành viên Công ước CBD, ba phương diện còn lại của quyền nông dân trong Hiệp ước ITPGRFA hoàn toàn có cơ sở để hiện thực hóa tại Việt Nam.

Cơ chế tiếp cận và chia sẻ lợi ích phát sinh từ nguồn gen trong Luật Đa dạng sinh học năm 2008 và Nghị định 59/2017/NĐ-CP ngày 12/5/2017 là kết quả của quá trình nội luật hóa Công ước CBD. Luật Đa dạng sinh học và Nghị định 59/2017/NĐ-CP yêu cầu chủ thể tiếp cận nguồn gen phải được cấp phép và lợi ích phải được chia sẻ trên nguyên tắc “công bằng, hợp lý giữa các bên có liên quan và góp phần quản lý hiệu quả tài nguyên sinh học, thúc đẩy các quá trình nghiên cứu khoa học và thương mại hóa nguồn gen, chú trọng đến vai trò của cộng đồng địa phương trong việc bảo tồn và sử dụng bền vững tài nguyên di truyền” (Khoản 4 Điều 4 Nghị định 59/2017/NĐ-CP). Theo đó, nếu các chủ thể lai tạo giống tiếp cận giống cây trồng bản địa nhằm mục đích nghiên cứu, phát triển giống cây trồng mới và khai thác thương mại đối với chúng, các chủ thể này có nghĩa vụ phải chia sẻ lợi ích. Các bên được chia sẻ lợi ích theo quy định bao gồm: a/ Nhà nước; b/ Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được giao quản lý nguồn gen; c/ Tổ chức, cá nhân được cấp phép tiếp cận nguồn gen và các bên có liên quan khác được quy định trong giấy phép tiếp cận nguồn gen (Khoản 1 Điều 61 Luật Đa dạng sinh học). Điều đáng nói ở đây là, giống cây trồng bản địa là kết quả sáng tạo qua hàng trăm năm của cả cộng đồng nông dân bản địa, không riêng của “tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được giao quản lý nguồn gen”. Quy định về chia sẻ lợi ích cũng chưa thể hiện sự ghi nhận về “vai trò của cộng đồng địa phương trong việc bảo tồn và sử dụng bền vững tài nguyên di truyền”. Do vậy, pháp luật về cơ chế tiếp cận và chia sẻ lợi ích cần được sửa đổi để tích hợp quyền của cộng đồng bản địa nói chung và người nông dân nói riêng.

Nếu cơ chế bảo hộ quyền của người nông dân trong khuôn khổ pháp luật về quyền đối với giống cây trồng không thể giúp người nông dân vươn ra thị trường nước ngoài do rào cản của “bản quyền giống”, pháp luật SHTT vẫn tồn tại cơ chế khác để người nông dân có thể chủ động tạo ra sản phẩm mang thương hiệu của riêng mình. Đó là cơ chế “Chỉ dẫn địa lý”, “Nhãn hiệu tập thể”, “Nhãn hiệu chứng nhận”. Sản phẩm truyền thống mang đặc trưng của vùng miền sẽ phát huy thế mạnh của người nông dân, tăng sức cạnh tranh trên thị trường, đặc biệt là thị trường quốc tế. Các sản phẩm nông nghiệp thời gian gần đây có mặt trên thị trường quốc tế như Nhãn lồng Hưng Yên, Vải thiều Lục Ngạn, Thanh long Bình Thuận… đã chứng minh quan điểm này. Phát huy các cơ chế đó sẽ tạo thế “cân bằng” cho người nông dân khi đặc quyền của họ đối với giống cây trồng không thể mở rộng trong khuôn khổ pháp luật về quyền đối với giống cây trồng. Bên cạnh nỗ lực thúc đẩy phát triển giống mới trên lãnh thổ Việt Nam từ các nhà khoa học, các viện nghiên cứu, các doanh nghiệp giống cây trồng, việc bảo hộ các giống cây trồng bản địa theo quan điểm nêu trên cũng góp phần giảm tình trạng phụ thuộc vào các giống cây trồng nước ngoài tại Việt Nam hiện nay./.

Nguyễn Thị Minh Hạnh (Bài viết đăng trên Tạp chí Dân chủ và Pháp luật (Bộ Tư pháp), số tháng 11/2022, tr 58-63)



[1] Thông tin tham khảo tại https://vov.vn/kinh-te/thieu-nguon-cung-giong-cay-trong-dang-phu-thuoc-lon-vao-nhap-khau-650042.vov, https://vneconomy.vn/thieu-tu-chu-nganh-nong-nghiep-phu-thuoc-vao-nhap-khau.htm, truy cập ngày 2/10/2022



[1] S. Ragavan (2007). To sow or not to sow: Dilemmas in Creating New Rights in Food. In KESAN, Jay P. (ed.). Agricultural biotechnology and intellectual property: seeds of change. cabi, 2007.

[2] Winter, L. (2010). Cultivating farmers' rights: Reconciling food security, indigenous agriculture, and TRIPS. Vand. J. Transnat'l L.43, 223.

[3] Oguamanam, C. (2006). Intellectual Property Rights in Plant Genetic Resources: Farmers' Rights and Food Security of Indigenous and Local Communities. Drake J. Agric. L.11, 273.

[4] Borowiak, C. (2004). Farmers’ rights: Intellectual property regimes and the struggle over seeds. Politics & Society32(4), 511-543.

[5] Examination of the Conformity of the Decree on the Protection of New Plant Varieties of Viet Nam with the 1991 Act of the UPOV Convention tại https://www.wipo.int/meetings/en/doc_details.jsp?doc_id=16068, truy cập ngày 2/10/2022.

[6] Examination of the Conformity of the Decree on the Protection of New Plant Varieties of Viet Nam with the 1991 Act of the UPOV Convention tại https://www.upov.int/meetings/en/doc_details.jsp?meeting_id=9742&doc_id=58675, truy cập ngày 2/10/2022.