Danh dự, nhân phẩm, uy tín là những yếu tố nhân thân phi tài sản gắn liền với mỗi cá nhân, tổ chức. Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân, tổ chức là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.

Khi danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân, tổ chức xâm phạm, các chủ thể này có quyền yêu cầu Tòa án bác bỏ các thông tin đã gây ảnh hưởng xấu đến mình. Đối với cá nhân không chỉ được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín khi còn sống mà cả khi cá nhân đã chết thì pháp luật vẫn duy trì sự bảo hộ. Cụ thể, vợ, chồng hoặc con thành niên của người bị xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm, uy tín; hoặc cha, mẹ của cá nhân này trong trường hợp cá nhân không có vợ, chồng, con thành niên.

Căn cứ vào Điều 592 của Bộ luật dân sự 2015 và Nghị quyết số 01/2004/NQ-HĐTP ngày 28 tháng 4 năm 2004 hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Dân sự về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng (sau đây gọi tắt là Nghị quyết số 01/2004/NQ-HĐTP) thì thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm được bồi thường bao gồm:

- Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm gồm có thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân bị xâm phạm;

- Thiệt hại do danh dự, uy tín của tổ chức bị xâm phạm.

1. Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại bao gồm: chi phí cần thiết cho việc thu hồi ấn phẩm có nội dung xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người bị thiệt hại; chi phí cho việc thu thập tài liệu, chứng cứ chứng minh danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm; tiền tàu, xe đi lại, thuê nhà trọ (nếu có) theo giá trung bình ở địa phương nơi thực hiện việc chi phí để yêu cầu cơ quan chức năng xác minh sự việc, cải chính trên các phương tiện thông tin đại chúng; chi phí tổ chức xin lỗi, cải chính công khai tại nơi cư trú hoặc nơi làm việc của người bị thiệt hại và các chi phí thực tế, cần thiết khác để hạn chế, khắc phục thiệt hại (nếu có).

2. Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút

a) Nếu trước khi danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm, người bị xâm phạm có thu nhập thực tế, nhưng do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm người bị xâm phạm phải thực hiện những công việc để hạn chế, khắc phục thiệt hại, nên khoản thu nhập thực tế của họ bị mất hoặc bị giảm sút, thì họ được bồi thường khoản thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút đó;

b) Việc xác định thu nhập thực tế của người bị xâm phạm và việc xác định thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị xâm phạm được thực hiện theo hướng dẫn tại tiểu mục 1.2 mục 1 Phần II Nghị quyết số 01/2004/NQ-HĐTP.

3. Khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm

a) Khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm được bồi thường cho chính người bị xâm phạm;

b) Trong mọi trường hợp khi danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm, người bị xâm phạm được bồi thường khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần. Cần căn cứ vào hướng dẫn tại điểm b tiểu mục 1.1 mục 1 Phần I Nghị quyết số 01/2004/NQ-HĐTP để xác định mức độ tổn thất về tinh thần của người bị xâm hại. Việc xác định mức độ tổn thất về tinh thần phải căn cứ vào hình thức xâm phạm (bằng lời nói hay đăng trên báo viết hay báo hình…), hành vi xâm phạm, mức độ lan truyền thông tin xúc phạm…

c) Mức bồi thường khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần cho người bị xâm phạm trước hết do các bên thỏa thuận. Nếu không thỏa thuận được, thì mức bồi thường khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần phải căn cứ vào mức độ tổn thất về tinh thần, nhưng tối đa không quá 10 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định tại thời điểm giải quyết bồi thường.

Như vậy, khi danh dự, nhân phẩm, uy tín của một chủ thể bị xâm phạm, việc xác định thiệt hại cũng tương tự như khi sức khỏe, tính mạng bị xâm phạm. Theo đó, thiệt hại cũng bao gồm: thiệt hại về vật chất và những tổn thất về tinh thần.

Thiệt hại về vật chất có thể xác định cụ thể thông qua các phương pháp khác nhau, và người bị thiệt hại phải chứng minh các thiệt hại yêu cầu bồi thường nhưng phải bảo đảm nguyên tắc hợp lý.

Thiệt hại về tinh thần không thể xác định cụ thể bằng các đơn vị đo lường, nhưng bản thân người bị thiệt hại không phải chứng minh cho yêu cầu của mình, bởi đây là những thiệt hại đương nhiên khi danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm. Mức bồi thường thiệt hại về tinh thần trước hết cũng do các bên thỏa thuận, nếu các bên không thể thỏa thuận thì Tòa án sẽ xác định một mức hợp lý theo nguyên tắc đã được trình bày nêu trên.

ThS. Lê Thị Yến - Khoa KHXH