Ham muốn lớn nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh là đất nước được độc lập, nhân dân tự do, có cuộc sống ấm no và hạnh phúc. Nhận thức hoàn cảnh Việt Nam là nước thuộc địa nửa phong kiến với khoảng trên 90% dân số là nông dân đã nhiều năm bị áp bức, nghèo đói và lạc hậu, nên ngay sauu ngày độc lập, Người đã đề nghị Chính phủ phải quan tâm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân bởi “Nếu dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi...”[1]. Đặc biệt: “Các cán bộ phải chú ý lãnh đạo nông nghiệp, vì muốn tiến lên chủ nghĩa xã hội thì phải phát triển công nghiệp nhưng đồng thời cũng phải phát triển nông nghiệp, vì hai ngành đó khăng khít với nhau. Ngành nông nghiệp có nhiệm vụ cung cấp nguyên liệu cho ngành công nghiệp và trái lại, ngành công nghiệp sẽ giúp cho ngành nông nghiệp phát triển”[2]

Để cải tạo nền nông nghiệp lạc hậu, phát triển sản xuất, theo Hồ Chí Minh, Nhà nước phải tập trung xác định từng bước đi thích hợp, ban đầu là tiến hành cải cách ruộng đất, thực hiện tổ đổi công rộng khắp và vững chắc, rồi hợp tác xã nông nghiệp, rồi khi đã có điều kiện và nông dân yêu cầu thì tiến tới nông trường tập thể, như vậy, nông nghiệp mới phát triển đầy đủ, nông dân mới no ấm và giàu có. Người nhấn mạnh: “Ở nông thôn, nông dân được ruộng rồi mà cứ làm ăn theo cách cũ thì sản xuất không thể tăng gia được, xã hội không tiến lên được mà phải thụt lùi. Cho nên lúc đầu là cải cách ruộng đất, sau tiến lên một bước là tổ chức tổ đổi công sao cho tốt, cho khắp, lại tiến lên hình thức hợp tác xã dễ dàng, rồi tiến lên hợp tác xã cao hơn, lúc bấy giờ mới có chủ nghĩa xã hội.”[3]. Hợp tác hóa nông nghiệp chính là để các hộ dân riêng lẻ hợp vốn, hợp sức với nhau. Vốn nhiều, sức mạnh, thì khó nhọc ít mà ích lợi nhiều.  Vì bà con nông dân bao đời nay có thói quen sản xuất tự cấp, tự túc, làm ăn riêng lẻ, khiến ruộng đất manh mún, sức sản xuất không tập trung, năng suất lao động vì thế mà thấp, đời sống nông dân khó được cải thiện và Hợp tác xã nông nghiệp là một cách làm cho nhà nông đoàn kết, làm cho nhà nông thịnh vượng”[4].

leftcenterrightdel
 

Chủ tịch Hồ Chí Minh với lãnh đạo xã và Ban Chủ nhiệm Hợp tác xã Nông nghiệp thôn Lạc Trung, xã Bình Dương, huyện Vĩnh Tường (tỉnh Vĩnh Phúc) về công tác quy hoạch ruộng đất, ngày 25-1-1961_Ảnh: Internet

Trong quá trình thực hiện hợp tác hóa nông nghiệp, Người luôn nhắc nhở Chính phủ phải đảm bảo nguyên tắc tự nguyện, không được dùng bất cứ hình thức ép buộc nào để đưa người lao động vào hợp tác xã mà phải kiên trì giải thích để họ hiểu được lợi ích khi tham gia hợp tác xã và phải theo đúng đường lối giai cấp của Đảng ở nông thôn: “Dựa vào bần nông và trung nông lớp dưới mà tổ chức đổi công, hợp tác; phải nắm vững nguyên tắc, tổ chức cái nào tốt cái ấy”[1].  Cần phải tổ chức tổng kết, rút kinh nghiệm hoạt động của các mô hình hợp tác xã thí điểm, trên cơ sở đó chỉ ra những mô hình tốt để áp dụng, nhân rộng đồng thời cũng mạnh dạn xóa bỏ các hợp tác xã làm ăn không hiệu quả, nơi nào chưa tốt thì phải nghiên cứu  tìm ra những nguyên nhân để khắc phục. Cán bộ lãnh đạo cũng cần nhận thức sâu sắc nhiệm vụ của mình trong xây dựng kế hoạch, tổ chức hợp tác hóa; phải phê phán những tư tưởng sai lầm, tổng kết những kinh nghiệm công tác; thực hiện tốt công tác tuyên truyền một cách có hệ thống, phải căn cứ vào tình hình thực tế ở từng địa phương mà định ra kế hoạch toàn diện phát triển hợp tác xã, dựa vào đó mà đặt kế hoạch phát triển cho mỗi năm; đẩy mạnh phát triển tổ đổi công, và tuỳ khả năng mà xây dựng những liên tổ làm nền tảng tiến lên hợp tác xã. 

leftcenterrightdel
 

Bác Hồ thăm nhân dân xã Nam Cường, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình

vào tháng 3-1962_Ảnh: Internet

Một điểm quan trọng nữa để phát triển sản xuất nông nghiệp toàn diện, mạnh mẽ, vững chắc là phải cải tiến quản lý hợp tác xã, cải tiến kỹ thuật, đoàn kết cán bộ các cấp, giúp đỡ nhau thực thi chính sách của Đảng, Chính quyền và đoàn thể nhân dân (Hội cứu quốc, Nông hội, Hội Phụ nữ…). Do đó, cán bộ tỉnh huyện phải đi sâu xuống các hợp tác xã. Cán bộ các địa phương là người gắn bó hàng ngày với nông dân, nên phải tin tưởng, tôn trọng nhân dân, lắng nghe ý kiến của quần chúng thì mới được dân tin, dân phục, dân yêu. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng thấy rõ những hạn chế của cán bộ địa phương trong thực thi chính sách và vận động nông dân gây ảnh hưởng đến lợi ích chung, vì óc địa phương mà xem trọng người này, coi thường người khác, chọn việc dễ, thiếu dân chủ, vi phạm chính sách, gây tổn thất cho nhân dân. Vì vậy cán bộ: “ cần phải thật thà đoàn kết, một lòng một dạ phục vụ nhân dân. Phải kiên quyết chống bệnh quan liêu, mệnh lệnh, tham ô, lãng phí.”[1].  

Trong hệ thống chính trị của nước ta hiện nay, chính quyền địa phương là một cấp quan trọng. Đó là cơ quan đại diện ý chí, nguyện vọng, quyền và lợi ích của nhân dân, là bộ phận quan trọng trong bộ máy nhà nước thực hiện chức năng quản lý hành chính cơ sở, là trung tâm, lực lượng nòng cốt của hệ thống chính trị, là cầu nối trực tiếp giữa nhà nước và nhân dân, xử lý kịp thời những yêu cầu hàng ngày của nhân dân. Cán bộ lãnh đạo chính quyền đa số được sinh ra và trưởng thành từ địa phương, do vậy, họ hiểu tâm tư, nguyện vọng, thuận lợi, khó khăn của quần chúng nhân dân, hiểu phong tục tập quán, đặc điểm văn hóa trên địa bàn họ phụ trách… Cán bộ chính quyền phải gần dân, hiểu dân, sát dân phải có năng lực thực thi, tổ chức công việc, tổ chức hoạt động thực tiễn và thường xuyên giáo dục tuyên truyền, vận động quần chúng thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.Vận động nông dân cũng là việc không dễ dàng, nó đòi hỏi cán bộ phải thực sự yêu dân, kính dân, là đầy tớ của nhân dân, phải gắn bó mật thiết với nhân dân, hết lòng phục vụ nhân dân bởi “chính quyền là của nhân dân, do nhân dân làm chủ” [2].

Trong xây dựng nông thôn mới, rất nhiều tiêu chí về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội phải được thay đổi, hoàn thiện theo hướng phát triển, nâng cao và cải thiện đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ sinh thái môi trường nông thôn. Để  tạo sự thay đổi toàn diện như vậy một trong những bài học kinh nghiệm được xác định là phát huy sức mạnh đoàn kết của nhân dân, cán bộ địa phương phải luôn học hỏi, thực sự nhuần nhuyễn lý luận và thực tiễn, biết rõ phương hướng hành động, phải năng động, nhạy bén, linh hoạt trong mọi tình huống, sáng tạo một cách thiết thực, có bản lĩnh dám nghĩ, dám làm, chịu trách nhiệm trước nhân dân, có phương pháp và phong cách dân vận “óc nghĩ, mắt nhìn, miệng nói, tai nghe, chân đi, tay làm”. Cán bộ địa phương là người hàng ngày gần dân nên phải biết làm cho dân tin, dân ủng hộ, biết tập hợp dân thành lực lượng sản xuất và hoạt động trong các phong trào; phục vụ dân, làm lợi cho dân, mưu cầu hạnh phúc cho dân. Phát huy tốt vai trò của mình, cán bộ địa phương sẽ góp phần thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới đất nước theo định hướng XHCN ở nước ta hiện nay.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.      Hồ Chí Minh (2011):  Toàn tập, tập 4, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội

2.      Hồ Chí Minh (2011):  Toàn tập, tập 9, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội

3.      Hồ Chí Minh (2011):  Toàn tập, tập 10, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội

4.      Hồ Chí Minh (2011):  Toàn tập, tập 11, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội

5.      Hồ Chí Minh (2011):  Toàn tập, tập 12, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội

6.      Quan điểm Hồ Chí Minh về phát triển về phát triển Nông nghiệp http://tapchibaohiemxahoi.gov.vn/tin-tuc/quan-diem-ho-chi-minh-ve-phat-trien-nong-nghiep

7.      Nguyễn Thị Thanh Mai, Phát huy vai trò cán bộ cấp xã trong xây dựng đời sống văn hóa nông thôn.

 

Th.s Trương Thị Thu Hạnh, bộ môn Kinh tế chính trị - CNXHKH, Khoa Khoa học xã hội


[1] Sdd, tập 9, tr518

[2] Hồ Chí Minh toàn tập, 2011, NXBCTQG, tập 11, tr316

[3] Sdd, tập 10, tr390

[4] Sdd,, tập 4, tr246

12,13 Sdd,, tập 12, tr149, 49

[6] Sdd, tập 9, tr 454

[7] Sdd, tập 8, tr263