Việt Nam là một nước nông nghiệp, do đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng vai trò của nông nghiệp trong phát triển kinh tế. Những quan điểm của Người đến nay vẫn có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc, là kim chỉ nam để Đảng và Nhà nước đề ra chủ trương, chính sách để phát triển nông nghiệp. Có thể khái quát quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vai trò của nông nghiệp ở một số nội dung sau:
* Nông nghiệp cung cấp lương thực, thực phẩm cho nhân dân
Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định, sản xuất lương thực là nhân tố có tầm quan trọng đặc biệt để bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, “Vậy thử hỏi có tiền mà không có gạo thì có ăn được không? Nếu ai cũng bỏ ruộng đi buôn cả thì dù có ngồi trên đống vàng cũng không có gì mà ăn? Thóc lúa ăn được, vàng có ăn được không? Nhân dân ta phải bám lấy đồng ruộng. Ruộng là chính. Nông nghiệp là chính. Phải thấy xa, đừng chỉ nhìn lợi trước mắt mà quên lợi sau. Đừng có thấy cây mà chẳng thấy rừng” [1, tr. 228]. Như vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh đến vai trò của nông nghiệp trong cung cấp lương thực, thực phẩm, đảm bảo đời sống, an ninh lương thực, thúc đẩy phát triển nông nghiệp là một trong những điều kiện để phát triển kinh tế.
Bác Hồ thăm bà con xã viên HTX Tháp Thượng, Đan Phượng, Hà Nội
* Nông nghiệp giúp giảm đói nghèo, nâng cao đời sống cho nhân dân
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, đối với nước ta, đa số là nông dân, đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn. Do đó, phát triển nông nghiệp là công cụ hiệu quả để xóa đói giảm nghèo, từng bước nâng cao đời sống cho nông dân. Sản xuất nông nghiệp tập trung chủ yếu ở nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới... thu nhập của các hộ nông dân ở đây chủ yếu đến từ sản xuất nông nghiệp. Do đó, mục đích cuối cùng của phát triển nông nghiệp “Là để cải thiện đời sống nông dân, làm cho nông dân được no ấm, mạnh khỏe, được học tập, làm cho dân giàu, nước mạnh” [2, tr. 8].
Bác Hồ thăm nông dân xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, Thái Nguyên
* Nông nghiệp thúc đẩy các lĩnh vực khác phát triển
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, nông nghiệp là nền tảng để phát triển công nghiệp, nông nghiệp phát triển giúp các lĩnh vực khác của đời sống xã hội phát triển, “nông dân đủ ăn đủ mặc, tăng gia sản xuất được nhiều, thì nông nghiệp sẽ phát triển. Họ có tiền mua hàng hóa, thì thủ công nghiệp, thương nghiệp và công nghệ của giai cấp tiểu tư sản và tư sản dân tộc, cũng như công thương nghiệp quốc doanh sẽ được phát triển. Nông dân hăng hái đóng thuế nông nghiệp thì tài chính của Nhà nước được dồi dào” [3, tr. 31].
Bác Hồ dùng thử máy cấy lúa cải tiến tại Trại thí nghiệm trồng lúa Sở Nông lâm Hà Nội
* Một số phương hướng phát triển nông nghiệp bền vững
Thứ nhất, phát triển nền nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, thực hiện cơ khí hóa, điện khí hóa, thủy lợi hóa, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ sinh học vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nông sản Việt Nam.
Cơ giới hóa trong nông nghiệp
Thứ hai, tăng cường nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp; nâng cao tỷ lệ lao động đã qua đào tạo trong lĩnh vực nông nghiệp để nông nghiệp phát triển theo chiều sâu.
Sinh viên Học viện Nông nghiệp thực hành tại mô hình thủy canh
Thứ ba, giải quyết tốt vấn đề đầu ra của nông sản, đặc biệt trong đại dịch covid 19, tăng cường các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị để nền nông nghiệp phát triển bền vững, nâng cao đời sống cho nông dân.
Xuất khẩu nông lâm thủy sản khó khăn do dịch Covid-19
Như vậy, những quan điểm của Hồ Chí Minh về vai trò của nông nghiệp đến nay vẫn có giá trị to lớn đối với Đảng, Nhà nước và Nhân dân hiện nay. Gần 40 năm thực hiện đổi mới toàn diện đất nước, nền nông nghiệp đã phát triển toàn diện, đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đời sống nông dân được cải thiện lớn, nông nghiệp góp phần to lớn vào phát triển kinh tế của Việt Nam…
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 11, Nxb Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội.
[2] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 12, Nxb Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội.
[3] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 8, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội
TS. Lê Văn Hùng _ Khoa KHXH