Chương trình Mỗi xã một sản phẩm” (One Commune One Product - OCOP) là một giải pháp hết sức quan trọng và phù hợp trong việc thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, do đó trên cơ sở chỉ đạo của Trung ương và điều kiện thực tế tại địa phương, tỉnh Quảng Ninh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ quyết liệt, linh hoạt, bài bản, luôn thể hiện vai trò trách nhiệm là địa phương đi tiên phong để thực hiện Chương trình, triển khai rộng rãi Chương trình OCOP trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố và trên tất cả các xã, phường, thị trấn; quan tâm chỉ đạo tập trung phát triển tổ chức, phát triển sản phẩm, triển khai mạnh mẽ các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá kết nối tiêu thụ sản phẩm...Bằng nhiều cách làm linh hoạt, sáng tạo, đột phá và sát hợp với thực tế, Chương trình đã đạt được một số kết quả quan trọng sau:

Chu trình OCOP thường niên: Tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức các Hội thảo và ban hành chu trình chuẩn OCOP thường niên cho giai đoạn 2018-2020, sửa đổi, bổ sung và ban hành Bộ tiêu chí đánh giá và xếp hạng sản phẩm OCOP giai đoạn 2017 - 2020; tổ chức các cuộc thi đánh giá và xếp hạng sản phẩm OCOP, lựa chọn ra 317 sản phẩm tham gia cấp tỉnh, đã có 244/317 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao trở lên. Tỉnh hỗ trợ tập huấn cho các đơn vị có sản phẩm đăng ký mới tham gia chu trình OCOP, tổ chức các Hội nghị đối tác năm 2018 và 2019 nhằm xúc tiến thương mại sản phẩm của địa phương.

Về phát triển sản phẩm và các tổ chức kinh tế tham gia OCOP: Theo số liệu của UBND tỉnh, đến năm 2020, có 343 sản phẩm được chứng nhận đạt yêu cầu tham gia chương trình OCOP, vượt chỉ tiêu là 223 sản phẩm, tăng 185%  so với chỉ tiêu đề ra của Đề án (chỉ tiêu giai đoạn 2017-2020 phát triển 120 sản phẩm), nâng tổng số sản phẩm tham gia Chương trình OCOP lên 449 sản phẩm (trong đó nhóm thực phẩm 307; đồ uống 90; thảo dược 41; thủ công mĩ nghệ 8; dịch vụ 3), số sản phẩm đạt sao là 236 sản phẩm (7 sản phẩm 5 sao, 67 sản phẩm 4 sao, 162 sản phẩm 3 sao). Việc phát triển các tổ chức kinh tế tham gia được tỉnh Quảng Ninh chú trọng. Đến nay, tỉnh có 175 đơn vị sản xuất trong đó có 46 doanh nghiệp, 65 hợp tác xã, 64 hộ sản xuất. Vấn đề quản lý nhãn hiệu đã được tăng cường quản lý, tỉnh hỗ trợ dán tem điện tử truy xuất nguồn gốc cho 50 sản phẩm đạt 3 sao. Đến năm 2020, 90% sản phẩm thuộc chương trình được dán tem điện tử.

leftcenterrightdel
 

Về hoạt động xúc tiến thương mại và hợp tác quốc tế chương trình OCOP: Ngoài phát triển các sản phẩm, tỉnh Quảng Ninh chú trọng vào các hoạt động xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP. Trong giai đoạn 2017-2020, tỉnh đã tổ chức 12 lượt Hội chợ OCOP cấp tỉnh, với tổng quy mô 2.654 gian hàng; tổ chức 28 hội chợ OCOP kết hợp thương mại; 17 tuần kết nối tiêu dùng sản phẩm OCOP với tổng số 330 gian hàng (30 gian/tuần). Công tác quảng bá xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP trên hệ thống thương mại điện tử được quan tâm. Tính đến nay, tỉnh đã có 20 sản phẩm OCOP được bán qua sàn giao dịch của Bưu điện Quảng Ninh (bdasa.com.vn); 128 sản phẩm OCOP được bán trên Qnitrade.gov.vn, thuonghieuquangninh.gov.vn. Bên cạnh đó, hoạt động hợp tác quốc tế đã được triển khai thông qua việc tổ chức các hội chợ OCOP, hội chợ quốc tế và  hội nghị hợp tác... với một số nước như Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản, Trung Quốc, Liên bang Nga...

Trong 4 năm qua Quảng Ninh đã riển khai rộng rãi Chương trình OCOP trên địa bàn 14/14 huyện, thị xã, thành phố và trên tất cả các xã, phường, thị trấn; quan tâm chỉ đạo tập trung phát triển tổ chức, phát triển sản phẩm, triển khai mạnh mẽ các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá kết nối tiêu thụ sản phẩm. Đến nay Quảng Ninh đã phát triển 450 sản phẩm và 175 tổ chức, tạo giá trị doanh thu từ chương trình OCOP đạt 400-500 tỉ đồng/năm.  Năm 2019, tại Hội nghị tổng kết 10 năm Chương trình Xây dựng nông thôn mới toàn quốc, tỉnh Quảng Ninh được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng 3 về thành tích triển khai Chương trình OCOP.

leftcenterrightdel
 

Chương trình OCOP Quảng Ninh đã góp phần đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa tập trung, xây dựng thương hiệu, gia tăng giá trị sản phẩm, nâng cao trình độ sản xuất kinh doanh của các chủ thể Đồng thời, phát huy được các tiềm năng lợi thế sẵn có từ các sản phẩm truyền thống văn hóa địa phương; tạo ra sản phẩm có chất lượng phục vụ du lịch, dịch vụ và đóng góp không nhỏ vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh, mang lại thu nhập cao cho cộng đồng dân cư nông thôn, tham gia tích cực vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, chương trình tác động mạnh mẽ tới thương hiệu, chất lượng hàng hóa và dịch vụ nông nghiệp, tạo sự chuyển biến tích cực trong sản xuất nông nghiệp, góp phần nâng cao thu nhập bền vững cho người dân và thương hiệu OCOP từng bước trở thành thương hiệu mạnh trên thị trường trong nước, khu vực và quốc tế./

Nguồn:Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh (2020). Báo cáo kết quả 4 năm triển khai thực hiện Đề án chương trình "Mỗi xã, phường một sản phẩm" gia đoạn 2017-2020

Lê Thị Dung – Khoa Khoa học Xã hội