Trong những năm gần đây, dưới tác động của quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá, đô thị hoá, sức ép của các vấn đề dân số, lương thực, thực phẩm, việc làm, thu nhập, môi trường.... nông nghiệp ở các đô thị Việt Nam dần có những thay đổi quan trọng nhằm thích nghi với hoàn cảnh mới.

            Ở thành phố Hà Nội, do nhu cầu phát triển đô thị và công nghiệp dịch vụ, quỹ đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp. Ngành nông nghiệp cũng như các hộ nông dân phải thay đổi tư duy trong sản xuất nông nghiệp, thực hiện chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu cây trồng - vật nuôi, mở ra hướng phát triển cho nông nghiệp công nghệ cao (CNC). Người Hà Nội từ lâu đã trồng rau muống trên ao hồ kênh mương, Hà Nội nổi danh với húng Láng, rau Tây Tựu, đào Nhật Tân, cam Canh bưởi Diễn, … Tuy nhiên trước sự thay đổi của thành phố, phương thức canh tác cũ không còn phù hợp. Địa bàn thủ đô vừa sản xuất, vừa gắn với thị trường tiêu thụ lớn và có nhiều đơn vị nghiên cứu của Trung ương về nông nghiệp nên có lợi thế hơn hẳn các tỉnh, thành khác trong việc ứng dụng khoa học, kỹ thuật mới vào sản xuất. Trong xu hướng ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp ở thủ đô, xã Đa Tốn huyện Gia Lâm đã có một số cơ sở ứng dụng CNC vào trồng rau an toàn tại xã để cung cấp cho thị trường thủ đô.

            Xã Đa Tốn ở ven đô có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất rau, cây ăn quả nhiều năm nay, được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới đầu tiên của huyện Gia Lâm vào năm 2014. Thực hiện Chương trình 02-CTr/TU của Thành uỷ Hà Nội về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nhân dân” Đảng uỷ, UBND xã Đa Tốn đã tập trung công tác lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng xã nông thôn mới, phối hợp với các phòng, ban của huyện triển khai các mô hình sản xuất nông nghiệp đặc biệt là mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó có mô hình sản xuất rau CNC tại thôn Ngọc Động.

Cơ sở sản xuất rau an toàn ứng dụng công nghệ cao tại xứ đồng Chùa Thuỷ, thôn Ngọc Động xã Đa Tốn huyện Gia Lâm được UBND huyện phê duyệt tại Quyết định số 3686/QĐ-UBND ngày 10/5/2018, thời gian thực hiện 20 năm (chia làm 04 chu kỳ, 05 năm/chu kỳ), diện tích thực hiện 9.456,5m2 là diện tích đất nông nghiệp thuộc quỹ đất công do UBND xã Đa Tốn quản lý. Đơn vị được giao thực hiện mô hình rau CNC hoạt động như một công ty cổ phần với hai cổ đông là hợp tác xã dịch vụ tổng hợp Đa Tốn và công ty cổ phần đầu tư Hòa An, trong đó cổ phần của HTX là tiền thuê đất.

            Rau thuỷ canh được trồng trong nhà kính, người trồng dùng máy bơm nước và máy làm mát nguồn nước hoạt động xuyên suốt nhằm cung cấp nước sạch cho các chậu rau thông qua ống dẫn nước nên phương pháp này không sử dụng nhiều phân bón mà chỉ cần bổ sung chất khoáng vi lượng và đa lượng qua hệ thống dẫn nước. Trồng trong nhà kính, cây trồng không bị ảnh hưởng về thời tiết thay đổi bất thường, đồng thời kiểm soát được dịch bệnh, côn trùng do đó không cần đến thuốc bảo vệ thực vật góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm rau.

Rau sau khi thu hoạch được sơ chế, bảo quản trong kho lạnh sẽ được chuyển sang nội thành Hà Nội vào sáng sớm hôm sau để tiêu thụ. Về thị trường tiêu thụ chính của rau CNC hiện nay, 99% sản lượng rau của mô hình đã ký kết hợp đồng bao tiêu với Công ty cổ phần đầu tư An Hòa cung cấp cho chuỗi cửa hàng Hanofarm bên nội thành Hà Nội. Một phần nhỏ sản phẩm được bày bán ngay tại phòng trưng bày mô hình sản xuất tại thôn Ngọc Động, xã Đa Tốn. Sản lượng tiêu thụ bình quân: 300 kg/ngày; đơn giá trung bình: 30.000 đ/kg; Doanh thu hàng tháng: 250-300 triệu đồng. Về hiệu quả xã hội, mô hình tạo công ăn việc làm cho 08-10 lao động địa phương, thu nhập bình quân 6 triệu đồng/người.

            Sản xuất rau CNC phải tuân theo những yêu cầu kỹ thuật đặc biệt, nó tạo ra rau thành phẩm với năng suất và chất lượng vượt trội so với rau truyền thống. Tuy nhiên chính vì quá trình sản xuất sử dụng hàm lượng công nghệ nhiều nên đầu vào và quá trình sản xuất cũng khác xa so với lối sản xuất thông thường. Cơ sở sản xuất rau CNC phải lo có quỹ lâu dài mới dám đầu tư bởi thời gian thu hồi vốn lâu. Ngoài ra, cơ sở phải đầu tư hệ thống hạ tầng tốt từ nguồn nước, nhà kính, hệ thống thủy canh… với số vốn rất cao. Người lao động trong cơ sở sản xuất rau CNC phải được đào tạo kỹ thuật từ các chuyên gia đầu ngành của rau thủy canh, không những thế họ phải luôn luôn trau dồi kiến thức để hoàn thành công việc của mình. Quá trình sản xuất tuyệt đối không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và thuốc kích thích sinh trưởng, mặt khác thu hoạch và sơ chế, bảo quản, đóng gói cũng theo những tiêu chuẩn của rau CNC.

            Sản xuất rau CNC có nhiều khó khăn nhưng những mặt tích cực mang lại nhiều hơn. Mô hình rau CNC không những mang lại hiệu quả cho người sản xuất mà còn mang lại quyền lợi cho người tiêu dùng, góp phần cải thiện môi trường sinh thái, giải quyết công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người lao động...

            Như vậy, có thể thấy ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất rau là xu thế tất yếu, đặc biệt tại khu vực ven đô. Tuy nhiên, hiện nay các vùng sản xuất rau an toàn chỉ đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu trong nước, còn nhiều hạn chế như nguồn đất, nước ô nhiễm, chưa áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật về kiểm tra đánh giá chất lượng sản phẩm. Nông nghiệp của Việt Nam vốn chịu nhiều tác động của thời tiết, ô nhiễm nguồn đất, nước và sự phá hoại mạnh của sâu bệnh hại. Thực tiễn cho thấy sẽ không có một nền "nông nghiệp sạch" nếu không có những chiến lược phát triển đúng đắn trong đó đặc biệt phải chú trọng đến việc xây dựng các mô hình nông nghiệp CNC phục vụ cho sản xuất nông nghiệp an toàn, chất lượng cao theo công nghệ tiên tiến.

Một số hình ảnh của nghiên cứu:

leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
 

Trần Khánh Dư - Khoa KHXH