Trong kháng chiến chống Pháp, nông dân đã có nhiều đóng góp quan trọng về người và của, góp phần đưa cuộc kháng chiến đi đến thắng lợi. Để phát huy vai trò của nông dân, Hồ Chí Minh rất quan tâm chỉ đạo đội ngũ cán bộ Hội Nông dân. Người yêu cầu cán bộ phụ trách cần sâu sát trong công tác tuyên truyền, đôn đốc, từ đó giúp nông dân nhận thức rõ nhiệm vụ chính của mình, tích cực tham gia sản xuất và đạt nhiều kết quả: “Hiện nay toàn dân đang thi đua chuẩn bị chuyển sang tổng phản công. Nhiệm vụ chính của nông dân là thi đua tăng gia sản xuất nhiều lương thực để quân và dân no ấm đánh giặc. Vì vậy phải giải thích cho mọi nông dân hiểu rõ nhiệm vụ chính của mình, thực hiện chính sách ruộng đất đúng mức và tổ chức dân công hợp lý để tăng gia sản xuất được nhiều kết quả, cố làm cho vụ mùa năm nay thật là mùa thắng lợi. Muốn được như vậy cán bộ nông hội cùng cán bộ chuyên môn phải đi sát với nông dân để tuyên truyền giải thích đôn đốc giúp đỡ họ” (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 7, NXB.Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr 56). Trong Thư gửi Hội nghị cán bộ Nông dân cứu quốc toàn quốc, Người chỉ rõ cán bộ Hội Nông dân các cấp phải sâu sát thực tiễn để có những chỉ đạo thiết thực và chỉ có như thế mới giúp nông dân thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ đặt ra: “Cán bộ tỉnh phải đến tận các huyện, các xã. Cán bộ huyện phải đến tận các xã, các thôn. Cán bộ phải chân đi, mắt thấy, tai nghe, miệng nói, tay làm, óc nghĩ. Để thiết thực điều tra, giúp đỡ, kiểm soát, rút kinh nghiệm, trao đổi kinh nghiệm giúp đỡ nông dân và học hỏi dân. Các cán bộ… làm đúng như thế và nhất định phải gắng làm đúng như thế, thì những công việc: Thi đua tăng gia sản xuất để diệt giặc đói, Thi đua học chữ quốc ngữ để diệt giặc dốt, Thi đua giúp đỡ bộ đội, xây dựng dân quân du kích để diệt giặc ngoại xâm. Nhất định sẽ thành công tốt đẹp” (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 6, NXB.Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr 249).
Tổng kết tình hình thực hiện Nghị quyết 26 - NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn cho thấy, nhiều cán bộ Hội Nông dân đã bám sát cơ sở, sâu sát hội viên để tìm hiểu nguyện vọng, nhu cầu hỗ trợ, từ đó xác định các giải pháp hỗ trợ phù hợp và đạt được những kết quả quan trọng. Đối với phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững có hơn 6,5 triệu hộ đăng ký/năm, trong đó có trên 3,6 triệu hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Các hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp đã giúp trên 220.000 hộ nghèo/năm về vật tư nông nghiệp, ngày công lao động, tiêu thụ sản phẩm... trị giá trên 15.000 tỷ đồng, giúp hơn 100 ngàn hộ nông dân thoát nghèo...(Hội Nông dân Việt Nam, Báo cáo Số 424 - BC/HNDTW về Tổng kết thực hiện Nghị quyết 26 - NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, ngày 30 tháng 7 năm 2021). Hội Nông dân còn đạt được nhiều kết quả trong công tác hỗ trợ nông dân tiếp cận với khoa học kỹ thuật, tư vấn, hỗ trợ nông dân khởi nghiệp, sáng tạo, tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tham gia xây dựng nông thôn mới…Bên cạnh những kết quả đạt đươc trên đây một số cán bộ Hội Nông dân còn thiếu sự sâu sát dẫn đến nắm bắt chưa kịp thời những khó khăn, vướng mắc, bức xúc trong nông dân, nhất là những nội dung liên quan trực tiếp đến quyền lợi của nông dân... do đó ảnh hưởng đến kết quả thực hiện nhiệm vụ của Hội.
Quan điểm của Hồ Chí Minh về yêu cầu sâu sát của đội ngũ cán bộ đối với công tác Hội Nông dân trên đây sẽ tiếp tục là chỉ dẫn quan trọng của Hội Nông dân Việt Nam trong tổ chức nông dân tham gia phát triển kinh tế-xã hội hiện nay.
|
|
Bác Hồ thăm nông dân huyện Đại Từ - Thái Nguyên gặt lúa Đông Xuân (1953) |
TS. Trần Lê Thanh - Khoa Khoa học xã hội