Gia đình là tổ ấm, là nơi sinh ra, lớn lên và trưởng thành với mỗi con người. Mẹ cha là người có công sinh thành dưỡng dục, vì vậy mà tình cảm cha mẹ dành cho con luôn dạt dào như biển cả. Người xưa đã có câu: “Cha mẹ nuôi con như biển hồ lai láng, con nuôi cha mẹ tính tháng tính ngày”, “Còn cha gót đỏ như son, cha mà mất sớm gót con dính bùn”. Điều đó đã nói lên phần nào công lao to lớn của những đấng sinh thành, để nhắc nhở con cháu luôn biết kính trọng, yêu thương và hiếu thuận với ông bà, cha mẹ

Tuy nhiên, cuộc sống ngày càng bận rộn, hối hả, con cái ngày càng ít có thời gian quan tâm, chăm sóc cha mẹ già khi đã bước sang tuổi cao. Phần lớn thời gian của con dành cho công việc, gia đình riêng và các mối quan hệ bên ngoài. Vì lý do đó mà người cao tuổi rất dễ rơi vào trạng thái cô đơn và cảm thấy bị cô lập với xã hội. Điều này có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tinh thần và thể chất của họ. Nhiều nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng có rất nhiều người già neo đơn cảm thấy bị cách ly với xã hội do lâu ngày không giao tiếp với bạn bè, hàng xóm hoặc các thành viên trong gia đình. Ngoài ra, đa số họ cảm thấy bị cô lập do nhiều nguyên nhân như: họ trở nên yếu đi, đi đứng khó khăn, không còn có nhiều“tiếng nói” trong gia đình, nghỉ hưu, mất đi người thân/ bạn bè, phụ thuộc vào con cái… Hơn nữa, cuộc sống về già thường là giai đoạn chuyển tiếp và điều chỉnh các sự mất mát. Phải kể đến như giai đoạn nghỉ hưu thường là bước chuyển đổi quan trọng đầu tiên của người lớn tuổi. Khoảng một phần ba người về hưu gặp khó khăn trong việc điều chỉnh các khía cạnh như giảm thu nhập, thay đổi vai trò xã hội và quyền lợi. Một số người chọn nghỉ hưu, mong muốn nghỉ việc; những người khác buộc phải nghỉ hưu (ví dụ, vì vấn đề sức khoẻ hoặc mất việc làm). Hay do việc thay đổi chỗ ở - ví dụ như đến nhà dưỡng lão với các tiện nghi mong muốn, đến các khu nhỏ hơn để giảm bớt gánh nặng duy trì tài chính. Đặc biệt, việc mất đi người thân ảnh hưởng đến nhiều khía cạnh của cuộc sống của người cao tuổi. Thống kê cũng cho thấy trong 2 năm sau khi chết của một người vợ, tỷ lệ tử vong ở nam giới có xu hướng gia tăng, đặc biệt nếu sự ra đi của vợ là bất ngờ. Đối với phụ nữ mất chồng, dữ liệu không rõ ràng nhưng nhìn chung không cho thấy tỷ lệ tử vong tăng lên.Với việc mất đi một người thân, một số rối loạn giấc ngủ và lo lắng là điều thường xuyên xảy ra. Dù nguyên nhân là gì đi chăng nữa, vấn đề người già cô đơn, dễ bị tổn thương về mặt tâm lý có thể dẫn đến trầm cảm và khiến họ suy giảm nghiêm trọng về sức khỏe tinh thần cũng như thể chất.

leftcenterrightdel
 

Ảnh minh họa, nguồn: Baoquangngai.vn

Mặt khác, theo dự báo của Tổng cục thống kê về tỷ trọng dân số theo nhóm tuổi thì NCT ở nước ta sẽ đạt 10% tổng dân số vào năm 2017 và sau 20 năm (2017 – 2037), Việt Nam sẽ có dân số già (tỷ trọng người từ 60 tuổi trở lên lớn hơn hoặc bằng 20% tổng dân số). Trên thực tế, Tổng cục Dân số – KHHGĐ (Bộ Y tế) cho rằng từ năm 2011 NCT Việt Nam đã đạt trên 10% dân số, theo tính toán đó thì thời gian trở thành quốc gia có dân số già sẽ giảm xuống còn khoảng 17 năm, ngắn hơn nhiều so với các quốc gia phát triển (Cục bảo trợ xã hội, 2021). Điều này ảnh hưởng đến việc tăng trưởng kinh tế, cũng như các chương trình an sinh xã hội đáp ứng yêu cầu của nhóm dân số cao tuổi là những người được coi là thiệt thòi và dễ bị tổn thương nhất. Bên cạnh đó, tỷ lệ gia đình hạt nhân ít con cũng ngày càng gia tăng, do vậy, vấn đề chăm sóc, hỗ trợ NCT đang là nhu cầu đặt ra hết sức cấp thiết. Tuy nhiên, cho đến nay các loại hình dịch vụ chuyên môn chăm sóc NCT ở nước ta còn rất yếu và thiếu, phần lớn còn mang tính trợ cấp, cứu trợ và đa số các hoạt đông chăm sóc đời sống tinh thần khác do NCT làm cho chính họ…

leftcenterrightdel
 

Ảnh : Dịch vụ CTXH cho người cao tuổi

Để nâng cao chất lượng và ổn định cuộc sống cho người cao tuổi, cần có dịch vụ công tác xã hội. Công tác xã hội ở nước ta hiện nay đã được coi là một nghề. Công tác xã hội đã ra đời đáp ứng nhu cầu xã hội phát triển và có vai trò quan trọng trong đời sống, bảo vệ quyền con người, nâng cao chất lượng cuộc sống tinh thần của cá nhân và gia đình. Công tác xã hội ra đời góp phần hình thành những giải pháp cho các hậu quả xã hội tiêu cực tất yếu của công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đó là sự thay đổi trong cấu trúc và khủng hoảng gia đình, khoảng cách giàu nghèo, trẻ em lang thang, người già cô đơn... Xuất phát từ thực tế trên, khi xã hội ngày càng phát triển, song hành với các chiến lược phát triển kinh tế thì những chủ trương; chính sách phát triển xã hội thông qua các chính sách đảm bảo đời sống an sinh của người dân cũng ngày càng được chú trọng hơn. Với tỷ lệ già hóa dân số cao, thì chỉ trong vòng vài chục năm đến thì nhu cầu được chăm sóc bởi các nhân viên công tác xã hội của người cao tuổi khá cao. Vậy nên, việc đẩy mạnh phát triển nghề CTXH theo hướng chuyên môn sẽ giúp hoạt động CTXH với NCT ngày càng có hiệu quả hơn. CTXH chính là một công cụ hỗ trợ, một cầu nối quan trọng giữa NCT và hệ thống chính sách an sinh của Đảng và Nhà nước.

ThS. Phạm Thị Thu Hà - Khoa KHXH