Nông thôn Việt Nam trong những năm gần đây đã có những biến đổi mạnh mẽ do tác động của quá trình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Với hàng loạt các khu chế xuất và khu du lịch, dịch vụ được xây dựng giúp cho đời sống người dân nông thôn ngày cành được cải thiện, cơ sở hạ tầng nông thôn phát triển hơn, các dịch vụ văn hóa, xã hội và giáo dục cũng đã được cải thiện đáng kể. Bên cạnh những chuyển biến tích cực thì hàng loạt các vấn đề xã hội cũng nảy sinh ở khu vực nông thôn cần được giải quyết (Mạnh Tráng, 2015).

Những biến đổi xã hội kéo theo những thay đổi về khuôn mẫu hành vi xã hội cũng như những thay đổi trong các quan hệ xã hội đã tác động làm ảnh hưởng sâu sắc tới các cá nhân và gia đình, đặc biệt là đối với tầng lớp thanh niên, thể hiện rõ nét nhất trong mối quan hệ tình yêu và vấn đề hôn nhân của họ. Theo một số nghiên cứu về giới trẻ, bên cạnh việc tiếp thu các giá trị mới tích cực, làm phong phú đời sống hôn nhân và gia đình, một số biểu hiện tiêu cực về hôn nhân cũng được bộc lộ. Cụ thể như, do quan niệm phóng túng về tình yêu, hôn nhân, mà những hành vi của đời sống hôn nhân, tình yêu, tình dục đang có biểu hiện lệch lạc: tuổi kết hôn tăng lên nhưng tuổi có hoạt động tình dục lần đầu dường như lại giảm xuống, dẫn đến sự gia tăng hoạt động tình dục trước hôn nhân...(Trần Thị Phụng, 2014). Đồng thời, cũng chính vì coi nhẹ quan niệm, giá trị về tình yêu, đời sống gia đình và định chế hôn nhân mà tình trạng ly hôn của các cặp vợ chồng trẻ khá cao. Bởi vậy việc củng cố, xây dựng các quan niệm lành mạnh về tình yêu, hôn nhân gia đình là cơ sở đầu tiên cho việc xây dựng một cuộc hôn nhân hạnh phúc (Lê Thi, 2011).  

leftcenterrightdel
 

Gia đình hạnh phúc là mục tiêu và là động lực của mọi người trên thế giới, gia đình có vai trò quan trọng trong việc hình thành nhân cách lối sống, chi phối hành vi và sự thành bại trong cuộc đời của mỗi con người. Lịch sử và thực tiễn đời sống đã chứng minh nền tảng của một gia đình hạnh phúc phải xuất phát từ sự vững bề về kinh tế, lạc quan tinh thần và sự yêu thương, đoàn kết, gắn bó. Để có được những điều này, mỗi con người phải vun đắp và nỗ lực dựng xây. Do đó, việc thanh niên nhìn nhận về mối quan hệ tình yêu, hạnh phúc và hôn nhân gia đình tích cực không chỉ củng cố các mối quan hệ gia đình mà còn kiến tạo môi trường xã hội thuận lợi cho mỗi cá nhân được phát triển hài hòa và toàn diện (Nguyễn Thị Ánh Tuyết, 2009). Đặc biệt trong thời đại giao lưu văn hóa, mở cửa hội nhập như hiện nay (Trần Thị Hoa, 2015).

Tình yêu, hôn nhân, gia đình từ lâu đã là đối tượng nghiên cứu hấp dẫn, có sức hút đáng kể không chỉ trong giới nghiên cứu khoa học xã hội nói chung mà còn với các nhà xã hội học nói riêng. Vấn đề hôn nhân - gia đình với thanh niên luôn thể hiện sự phong phú, đa dạng nhưng lại rất phức tạp. Bởi hôn nhân, gia đình không chỉ có ý nghĩa sinh học nhằm duy trì nòi giống, mà nó còn thể hiện những đặc điểm văn hóa của một xã hội nhất định tại một thời điểm. Do đó, qua việc nghiên cứu và tìm hiểu về tình yêu, hôn nhân và gia đình, chúng ta có thể thấy được những chuẩn mực đạo đức của con người ở các tầng lớp xã hội khác nhau, các thế hệ khác nhau. Đặc biệt trong hoàn cảnh của Việt Nam, với những đổi mới về kinh tế và xã hội, những khác biệt và đồng thuận trong nhận thức về hôn nhân và gia đình.

Tài liệu tham khảo

Lê Ngọc Hùng (2008). "Lịch sử các lý thuyết xã hội học hiện đại."

Trần Thị Phụng Và Nguyễn Ngọc Lẹ (2014). " Định hướng giá trị trong tình yêu – hôn nhân và gia đình của sinh viên Đại học Cần Thơ." Tạp chí khoa học trường Đại học Cần Thơ, số 33

Nguyễn Hữu Minh (2012). "Các mối quan hệ trong gia đình Việt Nam: một số vấn đề cần quan tâm." Tạp chí xã hội học, số 4.

Nguyễn Văn Lượt Và Đỗ Thị Hồng Nhung (2010). "Định hướng giá trị trong việc lựa chọn bạn đời của sinh viên." Tạp chí Tâm lý học, số 4: tr 42-49.

Lê Thi (2011). "Sự tương đồng và khác biệt trong quan niệm về hôn nhân và gia đình giữa các thế hệ Việt Nam hiện nay." NXB Khoa học – xã hội, Hà Nội.         

Mạnh Tráng (2015). "Thông tin về phát triển kinh tế - xã hội  của vùng đồng bằng sông Hồng."