Ngày 30 tháng 1 năm 2020, tại trường Đại học Kanazawa, cô Nguyễn Thị Minh Hạnh – Giảng viên Bộ môn Pháp luật, Khoa Lý luận chính trị và xã hội đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ có tiêu đề “Access and sharing of benefits resulting from the utilization of traditional knowledge associated with genetic resources in Vietnam: Legal implementation and future reform” (Tiếp cận và chia sẻ lợi ích phát sinh từ việc sử dụng tri thức truyền thống về nguồn gen ở Việt Nam: Thực thi pháp luật và cải cách trong tương lai). Luận án nhằm mục tiêu nghiên cứu thực trạng pháp luật và thực tiễn thi hành liên quan tới tri thức truyền thống về nguồn gen (TKaGRs) trong bối cảnh tiếp cận và chia sẻ lợi ích (ABS) tại Việt Nam, qua đó đề xuất cải cách trong tương lai trên cơ sở yêu cầu quốc tế và kinh nghiệm của các quốc gia khác.

Xuyên suốt quá trình lịch sử, tri thức truyền thống về nguồn gen (TKaGRs) giữ vai trò quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu đa dạng của con người, góp phần đáng kể vào thu nhập quốc dân và sinh kế cộng đồng, cũng như mang lại “yếu tố đầu vào” cho các ngành công nghệ sinh học, từ đó đưa đến sự ra đời của nhiều phát hiện, sáng chế trong lĩnh vực sinh học. Tuy nhiên, tình trạng tiếp cận và chiếm đoạt trái phép TKaGRs, còn được gọi là “cướp bóc sinh học”, không phải là hiện tượng hiếm thấy trên phạm vi toàn cầu. Trong bối cảnh đó, Công ước Đa dạng sinh học (sau đây gọi là công ước CBD) đã được thông qua với tư cách là giải pháp về mặt pháp lý để giải quyết thực trạng khai thác thiếu công bằng đối với TKaGRs. Bên cạnh việc củng cố “công lý môi trường” thông qua quy định hoạt động tiếp cận và chia sẻ lợi ích đối với TKaGRs phải có sự chấp thuận và chia sẻ lợi ích đối với chủ thể nắm giữ, Công ước thúc đẩy việc ứng dụng TKaGRs ngoài cộng đồng nhằm phục vụ nhu cầu phát triển ở phạm vi rộng hơn. Trong khuôn khổ công ước CBD, Nghị định thư Nagoya về tiếp cận nguồn gen, chia sẻ công bằng và hợp lý lợi ích từ việc sử dụng nguồn gen (sau đây gọi là Nghị định thư Nagoya) đã cụ thể nội dung này của công ước. Tuy nhiên, các văn bản pháp lý quốc tế nêu trên chỉ mang tính chất “khung” và cho phép các quốc gia điều chỉnh cơ chế ABS trên cơ sở pháp luật của chính quốc gia đó.

Việt Nam là một trong số các quốc gia giàu đa dạng sinh học nhất trên thế giới. Qua nhiều thế hệ, các cộng đồng dân tộc Việt Nam đã tích lũy, phát huy kinh nghiệm và sáng kiến trong việc bảo tồn và sử dụng nguồn đa dang sinh học đó, làm nên tính phong phú của hệ thống tri thức truyền thống về nguồn gen. Yêu cầu về một khung pháp lý toàn diện, chặt chẽ điều chỉnh ABS liên quan tới TKaGRs không chỉ được đặt ra từ thực tiễn mà còn từ những cam kết quốc tế, bao gồm Công ước CBD và Nghị định thư Nagoya mà Việt Nam phải thực hiện với tư cách là quốc gia thành viên.

Kết quả nghiên cứu của luận án đã chỉ ra rằng ABS từ việc sử dụng TKaGRs vào mục đích thương mại và phi thương mại đã xuất hiện ở Việt Nam từ rất sớm và ngày càng phổ biến trong xã hội hiện đại. Tuy nhiên, do TKaGRs phần lớn mang tính phân tán, không được tư liệu hóa và rất dễ trở thành đối tượng của “cướp bóc sinh học”, quyền hợp pháp của chủ thể nắm giữ TKaGRs trong và ngoài quan hệ ABS hầu như không được bảo vệ. Thực trạng này càng trở nên trầm trọng hơn khi khung pháp lý tương ứng vẫn còn trong giai đoạn sơ khai, không thể điều chỉnh mối quan hệ đặc thù giữa các bên liên quan trong bối cảnh ABS. Điều này được thể hiện qua khuôn khổ pháp lý nghèo nàn, thiếu các quy định cụ thể về quy trình và thủ tục ABS liên quan đến TKaGRs, thiếu cơ chế công nhận quyền sở hữu/ quản lý đối với TKaGRs, và xung đột không được giải quyết giữa các quyền pháp lý và truyền thống.

Luận án kết luận rằng cải cách pháp lý là một yêu cầu cấp thiết để mang lại công bằng chủ thể nắm giữ TKaGRs trong khi vẫn khuyến khích việc sử dụng TKaGRs một cách thiện chí vì lợi ích chung của các bên liên quan và của toàn xã hội. Về các khuyến nghị, luận án đề xuất một khuôn khổ đặc thù với các vấn đề trọng tâm sau đây: phạm vi bảo hộ, cơ chế ABS, quyền sở hữu/quản lý đối với TKaGRs và vai trò của các quy phạm tập quán. Theo đó, phạm vi bảo hộ cần xác định rõ TKaGRs có thể được bảo hộ và cần xem xét kỹ lưỡng khi mở rộng phạm vi bảo hộ đối với tri thức đã phổ biến. Đồng thời, luận án khuyến nghị thiết lập một cơ chế ABS với khung pháp lý chặt chẽ, toàn diện và minh bạch điều chỉnh từng giai đoạn của quy trình ABS, đảm bảo quyền tự quyết của chủ thể nắm giữ TKaGRs và khuyến khích sự tham gia đầy đủ của họ. Với tư cách là công cụ hỗ trợ cho ABS, đăng ký tri thức truyền thống cũng là một cách tiếp cận nên được áp dụng để thừa nhận quyền của chủ thể nắm giữ đối với tri thức của họ. Bên cạnh đó, các quy phạm tập quán nên kết hợp với các quy tắc ABS, trong đó xác định các điều kiện tiếp cận và sử dụng TKaGRs cũng như cách thức để chia sẻ lợi ích.

Các thành viên trong hội đồng đều đánh giá cao nỗ lực của tác giả do đây là đề tài đầu tiên được thực hiện tại Việt Nam về ABS liên quan tới TKaGRs. Luận án đã có những đóng góp mới về mặt lý luận khi tiếp cận quyền sở hữu/ quản lý đối với TKaGRs trong bối cảnh ABS. Luận án cũng đã giải quyết hài hòa giữa tính ràng buộc pháp lý của cơ chế ABS và tính linh hoạt của quy phạm tập quán trong từng mối quan hệ ABS cụ thể. Tuy nhiên, ABS đối với TKaGRs được nắm giữ bởi các chủ thể trên các lãnh thổ quốc gia khác nhau –vấn đề gây nhiều tranh cãi chưa đề cập đến trong phạm vi luận văn – nên là chủ đề nghiên cứu trong tương lai.

Một số hình ảnh lễ trao bằng tiến sĩ:

1

 

3