1. Giới thiệu
Chỉ dẫn địa lý (CDĐL) là dấu hiệu dùng để chỉ sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hay quốc gia cụ thể. Theo đó, CDĐL trao quyền sử dụng tên gắn liền với nguồn gốc địa lý của sản phẩm. Bảo hộ pháp lý đối với CDĐL là cơ sở để ngăn chặn tình trạng hàng giả, hàng nhái và mang lại cho người tiêu dùng sự bảo đảm về nguồn gốc tin cậy của sản phẩm, cũng như chất lượng, danh tiếng gắn liền với truyền thống của địa phương.
Việt Nam là quốc gia giàu tiềm năng về CDĐL. Khung pháp lý về CDĐL được ban hành năm 2005 tại Luật Sở hữu trí tuệ trong bối cảnh Việt Nam chuẩn bị gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Khung pháp lý về CDĐL tại Việt Nam được đặc trưng bởi vai trò chủ đạo của Nhà nước trong tất cả các thủ tục, quá trình liên quan tới CDĐL, từ khâu đăng ký đến quản lý CDĐL. Trong khi đó, vai trò của người sản xuất, kinh doanh và các tổ chức đại diện của họ được quy định rất mờ nhạt, chỉ mang tư cách là chủ thể được “trao quyền sử dụng” hoặc thực hiện các hoạt động đăng ký, quản lý thông qua “ủy quyền”. Trên cơ sở lý luận về CDĐL và thực tiễn áp dụng tại Việt Nam, cũng như kinh nghiệm về CDĐL của Liên minh Châu Âu, đặc biệt là Cộng hòa Pháp – quốc gia đi đầu trên thế giới về hệ thống CDĐL, bài viết đề xuất giải pháp để nâng cao vai trò của người sản xuất trong quá trình hình thành và quản lý chỉ dẫn địa lý nhằm đảm bảo quyền lợi của họ, đồng thời thúc đẩy giá trị của CDĐL trên thị trường trong và ngoài nước.
2. Nội dung
2.1. Pháp luật về CDĐL tại Việt Nam
Trước khi CDĐL được đưa vào Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, “tên gọi xuất xứ” được quy định trong Bộ luật dân sự năm 1995. Điều 786 Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 1995 định nghĩa: “Tên gọi xuất xứ hàng hoá là tên địa lý của nước, địa phương dùng để chỉ xuất xứ của mặt hàng từ nước, địa phương đó với điều kiện những mặt hàng này có các tính chất, chất lượng đặc thù dựa trên các điều kiện địa lý độc đáo và ưu việt, bao gồm yếu tố tự nhiên, con người hoặc kết hợp cả hai yếu tố đó.”. Như vậy, điều kiện của tên gọi xuất xứ hàng hóa là mối liên hệ chặt chẽ giữa tính chất, chất lượng sản phẩm với yếu tố tự nhiên hoặc con người, hoặc cả hai của khu vực địa lý mang chỉ dẫn xuất xứ.
Năm 2005, trong tiến trình gia nhập WTO, Việt Nam ban hành Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT). Theo đó, Chỉ dẫn địa lý đã được quy định trong Luật để thay thế Tên gọi xuất xứ hàng hóa. Chỉ dẫn địa lý, theo Khoản 22 Điều 4, được định nghĩa là: “dấu hiệu dùng để chỉ sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hay quốc gia cụ thể.”. Để được bảo hộ Chỉ dẫn địa lý, sản phẩm phải đảm bảo các điều kiện: 1. Sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý có nguồn gốc địa lý từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hoặc nước tương ứng với chỉ dẫn địa lý; 2. Sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý có danh tiếng, chất lượng hoặc đặc tính chủ yếu do điều kiện địa lý của khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hoặc nước tương ứng với chỉ dẫn địa lý đó quyết định (Điều 79 – Luật SHTT). “Điều kiện địa lý” được Luật cụ thể hóa là những yếu tố tự nhiên (khí hậu, thuỷ văn, địa chất, địa hình, hệ sinh thái và các điều kiện tự nhiên khác) và yếu tố con người (kỹ năng, kỹ xảo của người sản xuất, quy trình sản xuất truyền thống của địa phương) quyết định danh tiếng, chất lượng, đặc tính của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý (Điều 82 – Luật SHTT). Như vậy, so với Tên gọi xuất xứ hàng hóa, điều kiện để được bảo hộ Chỉ dẫn địa lý chặt chẽ hơn, thể hiện ở sự kết hợp cả hai yếu tố tự nhiên và con người, trong khi Tên gọi xuất xứ hàng hóa chỉ yêu cầu tối thiểu một trong hai yếu tố này.
Theo Luật SHTT, CDĐL thuộc về Nhà nước (Khoản 4 Điều 121 – Luật SHTT) và quyền sở hữu do đó không thể chuyển giao. Với tư cách là chủ sở hữu, Nhà nước có quyền đăng ký và quản lý Chỉ dẫn địa lý và có thể ủy quyền cho tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc tổ chức tập thể đại diện người sản xuất thực hiện các nhóm quyền này (Điều 88 và Khoản 4 Điều 121 – Luật SHTT). Về quyền sử dụng CDĐL, Nhà nước có thể trao quyền sử dụng cho tổ chức hoặc cá nhân sản xuất sản phẩm mang CDĐL ở khu vực địa lý tương ứng và đưa sản phẩm ra thị trường (Khoản 4 Điều 121 – Luật SHTT). Những tổ chức, cá nhân này có quyền gắn CDĐL lên sản phẩm và ngăn cản chủ thể khác sử dụng CDĐL một cách bất hợp pháp.(Khoản 2 Điều 123 – Luật SHTT). Tuy đã có khung pháp lý căn bản về CDĐL, hầu hết các quy định còn thiếu cụ thể, đặc biệt là các quy định về vai trò, trách nhiệm và quyền lợi của người sản xuất, kinh doanh và tổ chức tập thể đại diện cho họ trong quá trình đăng ký và quản lý CDĐL.
Sản phẩm mang Chỉ dẫn địa lý Thanh long ruột đỏ Bình Thuận ngày càng có vị trí trên thị trường trong nước và quốc tế - Ảnh: Internet
2.2. Thực tiễn thi hành pháp luật về CDĐL ở Việt Nam
2.2.1. Số lượng đăng ký CDĐL còn hạn chế so với tiềm năng
Theo số liệu từ Cục Sở hữu trí tuệ, đến tháng 10/2019, có 76 CDĐL được đăng ký tại Việt Nam. Điều đáng nói là trong số các sản phẩm được đăng ký gắn với dấu hiệu chỉ dẫn nguồn gốc địa lý, CDĐL chỉ chiếm một tỷ lệ khiêm tốn so với Nhãn hiệu tập thể (NHTT) và Nhãn hiệu chứng nhận (NHCN).
Bảng 1. Số lượng CDĐL, NHTT, NHCN được cấp giấy chứng nhận đăng ký
(tính đến 31/10/2019)
STT
|
Hình thức bảo hộ
|
Số lượng
|
Nông sản
|
Khác
|
Tổng cộng
|
1
|
Chỉ dẫn địa lý
|
65
|
5
|
70
|
2
|
Nhãn hiệu chứng nhận
|
258
|
12
|
270
|
3
|
Nhãn hiệu tập thể
|
773
|
198
|
971
|
|
Tổng cộng
|
1.096
|
215
|
1.311
|
Nguồn: Cục Sở hữu trí tuệ, 2019
Như vậy, số liệu cho thấy trong tổng thể, CDĐL chỉ chiếm 5,9% . Thông thường, NHCN và NHTT được các địa phương ưu tiên đăng ký hơn với CDĐL do điều kiện đăng ký dễ dàng hơn, không phải chứng minh mối liên hệ giữa danh tiếng, chất lượng và điều kiện địa lý của khu vực sản xuất. Tuy nhiên, trên thực tế không phải tất cả các sản phẩm đăng ký nhãn hiệu tập thể đều không đáp ứng được yêu cầu về đặc tính, chất lượng của một CDĐL, nhưng do địa phương không đủ tiềm lực về tài chính cũng như kỹ thuật, do vậy chưa tiến hành thủ tục đăng ký bảo hộ CDĐL.[1] Bên cạnh đó, trong một số trường hợp, việc đăng ký CDĐL còn chịu ảnh hưởng bởi chính sách của một số địa phương về chỉ tiêu đăng ký CDĐL, NHTT, NHCN trong một địa phương.[2] Như vậy, có thể thấy sự phụ thuộc vào Nhà nước (về tài chính, về cơ chế quản lý) của các CDĐL tại địa phương có thể mang lại những ảnh hưởng tiêu cực nhất định đến số lượng CDĐL được đăng ký.
2.2.2. Vai trò chủ đạo của Nhà nước và sự tham gia hạn chế của chủ thể sản xuất, kinh doanh
Như đã đề cập tại mục 2.1, hệ thống CDĐL tại Việt Nam đề cao vai trò chủ đạo của Nhà nước trong toàn bộ các quá trình liên quan tới CDĐL, từ khâu đăng ký đến khâu quản lý. Mặc dù theo quy định của pháp luật, Nhà nước có thể ủy quyền cho người sản xuất hoặc tổ chức tập thể đại diện người sản xuất để thực hiện các quyền nêu trên, song thực tế cho thấy các cơ quan nhà nước hầu hết vẫn trực tiếp tham gia vào quá trình này. Số liệu thống kê cho thấy 90% các trường hợp đăng ký CDĐL có chủ thể đăng ký là các cơ quan nhà nước (các Ủy ban nhân dân tỉnh hoặc Sở Khoa học Công nghệ), chỉ 10% là các tổ chức tập thể đại diện người sản xuất. Trong quá trình quản lý, 65,7% các trường hợp thuộc quyền quản lý của các Sở Khoa học Công nghệ, số còn lại thuộc quyền quản lý của Ủy ban nhân dân huyện hoặc các tổ chức tập thể.[3] Tuy nhiên, thực tế cũng chỉ ra rằng vai trò của các cơ quan nhà nước chỉ phát huy tích cực trong khâu đăng ký, đến giai đoạn quản lý hiệu quả lại không cao.
Đối lập với vai trò chủ đạo của Nhà nước là vị trí mờ nhạt của chủ thể sản xuất, kinh doanh trong hệ thống CDĐL. Vấn đề nằm ở chỗ pháp luật chỉ quy định địa vị của chủ thể sản xuất, kinh doanh với tư cách là “người sử dụng” CDĐL được Nhà nước trao quyền. Do vậy, người sản xuất chỉ đơn thuần gắn CDĐL lên sản phẩm và ngăn cản người khác sử dụng quyền này một cách bất hợp pháp. Ngoài ra, người sản xuất không có trách nhiệm và quyền lợi trong quá trình đăng ký và quản lý CDĐL, trừ khi có ủy quyền từ phía cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Bên cạnh đó, cơ chế ủy quyền, phạm vi ủy quyền cũng không được pháp luật quy định rõ ràng. Do vậy, sự tham gia của người sản xuất vào quá trình đăng ký và quản lý CDĐL thường không mang tính hệ thống, kém hiệu quả mặc dù họ đã chủ thể chính đóng góp “yếu tố con người” làm nên CDĐL.[4]
Các tổ chức tập thể đại diện cho người sản xuất, kinh doanh hầu hết không phát huy được vai trò của mình trên thực tiễn, mặc dù trên lý thuyết được coi là chủ thể giữ vị trí quan trọng trong việc tập hợp các nhà sản xuất, chế biến, kinh doanh ... để đảm bảo quản lý, phát triển CDĐL một cách bền vững. Trên thực tế hiệu quả hoạt động của các tổ chức không đồng đều. Một số tổ chức đảm nhiệm rất tốt vai trò của mình, như Hiệp hội Sản xuất và Kinh doanh Chả mực Hạ Long, Hội nước mắm Phú quốc.[5] Tuy nhiên, một số tổ chức hoạt động kém hiệu quả. Đơn cử, CDĐL quế Hưng Yên được nhà nước ủy quyền, giao cho hiệp hội ngành quế địa phương quản lý nhưng hiệp hội này chỉ họp đúng một lần vào ngày thành lập từ năm 2011 đến nay. Hay trà Mộc Châu có hiệp hội quản lý nhưng không khai thác hiệu quả CDĐL do cả 10 thành viên đều là nhà chế biến, không có nông dân tham gia.[6] Thực tế, Luật SHTT và các văn bản hướng dẫn thi hành của Việt Nam cũng không ghi nhận một cách rõ ràng vị trí, chức năng của loại chủ thể này trong quá trình đăng ký, quản lý CDĐL. Do đó dẫn tới hai hệ lụy: thứ nhất, người sản xuất có nhu cầu sử dụng CDĐL tại địa phương không có động lực để tham gia các tổ chức tập thể; thứ hai, không có cơ chế để ngăn chặn tình trạng “hưởng lợi” của những người sản xuất không tham gia vào các tổ chức tập thể.
2.2.3. Sự thiếu nhất quán trong mô hình quản lý CDĐL
Do thiếu quy định cụ thể hóa quy trình, nội dung quản lý CDĐL, mỗi địa phương quản lý CDĐL một cách khác nhau. Đối với CDĐL chưa có tổ chức tập thể đại diện người sản xuất, ví dụ Thuốc lào Tiên Lãng, Nhung hươu Hương Sơn, Dứa Đồng Giao..., cơ quan nhà nước có thẩm quyền trực tiếp tham gia vào quá trình quản lý. Ở quá trình này, các cơ quan nhà nước vừa thực hiện vai trò quản lý, vừa giám sát và chứng nhận chất lượng sản phẩm. Trong khi ở các quốc gia tiên tiến trên thế giới, quản lý chất lượng CDĐL luôn được đảm bảo bởi hai quy trình độc lập: quản lý nội bộ (được tiến hành bởi bản thân người sản xuất và tập thể đại diện người sản xuất) và quản lý ngoại vi (được tiến hành bởi các cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc tổ chức chứng nhận độc lập), tại Việt Nam, quá trình quản lý các CDĐL chưa có tổ chức đại diện người sản xuất có xu hướng xóa nhòa ranh giới giữa quản lý nội bộ và quản lý ngoại vi, dẫn đến việc quản lý chất lượng CDĐL kém hiệu quả.
Đối với CDĐL đã có tổ chức tập thể đại diện người sản xuất, khâu quản lý chất lượng cũng được triển khai khác nhau giữa các tổ chức. Ở một số chức, khâu quản lý nội bộ của tổ chức được tiến hành độc lập với khâu quản lý ngoại vi được đảm nhiệm bởi Ban Kiểm soát có thành viên từ các cơ quan nhà nước có thẩm quyền và các cơ sở nghiên cứu.[7] Tuy nhiên, ở một số tổ chức khác, khâu quản lý nội bộ có xu hướng kết hợp với quản lý ngoại vi, tức là tổ chức tập thể kết hợp với các cơ quan nhà nước trong quá trình quản lý chất lượng sản phẩm, dẫn đến tính thiếu độc lập trong hai khâu kiểm soát.[8] Như vậy, các sản phẩm cùng được gắn nhãn hiệu Chỉ dẫn địa lý song khâu quản lý chất lượng của mỗi sản phẩm được tổ chức một cách khác nhau và hiệu quả quản lý khác nhau.
2.3. Kinh nghiệm Liên minh Châu Âu (EU)
Mặc dù CDĐL có nguồn gốc từ tri thức truyền thống địa phương, khái niệm “CDĐL” dưới góc độ pháp lý vẫn là khái niệm “du nhập” vào Việt Nam theo tinh thần Hiệp định TRIPS. Bên cạnh đó, do không có một khuôn khổ pháp lý chung dành cho CDĐL trên phạm vi toàn cầu và Việt Nam không phải là quốc gia có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực CDĐL, cần phải học hỏi mô hình của các quốc gia đi trước để có thể tìm ra các giải pháp thực tiễn cho quá trình cải cách trong lĩnh vực này. Chúng tôi dẫn chiếu tới kinh nghiệm của Liên minh Châu Âu (EU), đặc biệt nhấn mạnh vào Cộng hòa Pháp do đây là quốc gia có bề dày lịch sử phát triển CDĐL. Hơn nữa, trong bối cảnh các mặt hàng nông sản của Việt Nam có thể tiếp cận thị trường EU theo Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA), nghiên cứu khung pháp lý dành cho CDĐL của EU, đặc biệt là Pháp – vốn là quốc gia gây nhiều ảnh hưởng đến khung pháp lý chung của EU về CDĐL, sẽ đặc biệt có ý nghĩa cho quá trình cải cách khung pháp lý liên quan của Việt Nam sau này.
2.3.1. Mô hình chung Liên minh Châu Âu (EU)
Khung pháp lý chung về CDĐL áp dụng đối với EU được ban hành vào năm 1992 trong Quy chế Liên minh Châu Âu số 2081/92 ngày 14 tháng 7 năm 1992. Theo đó, đăng ký CDĐL sẽ được thực hiện tại 2 cấp: cấp quốc gia và cấp EU. Năm 2006 đánh dấu sự thay đổi quan trọng của EU về CDĐL, được thể hiện tại Quy chế Liên minh Châu Âu số 516/2006 ngày 20 tháng 3 năm 2006. Theo Quy chế này, chỉ tập thể người sản xuất được thực hiện quyền đăng ký đối với CDĐL. Bên cạnh đó, đối với các CDĐL bắt nguồn từ EU, có 2 cấp độ kiểm soát chất lượng: 1. Cấp độ vĩ mô (macroscopic level): kiểm soát chất lượng tổng thể đối với toàn bộ các CDĐL, được thực hiện bởi cơ quan thẩm quyền quốc gia; 2. Cấp độ vi mô (microscopic level): kiểm soát chất lượng của từng CDĐL theo như bản mô tả trong quá trình đăng ký, được thực hiện bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc tổ chức chứng nhận độc lập đã được thẩm định đạt tiêu chuẩn.
2.3.2. Kinh nghiệm Cộng hòa Pháp
Trên tinh thần khung pháp lý chung của EU, Pháp xây dựng khung pháp lý đặc thù cho quốc gia với hai điểm nhấn chính: vai trò chủ đạo của khối tư nhân (chủ thể sản xuất – kinh doanh, tập thể đại diện chủ thể sản xuất – kinh doanh, và cơ quan chứng nhận chất lượng độc lập) và hệ thống kiểm soát chất lượng thống nhất.[9]
Từ năm 2006, Pháp quy định mỗi CDĐL phải có một tổ chức đại diện cho người sản xuất-kinh doanh, được gọi chung là Tổ chức Bảo vệ và Quản lý (Organization for Defense and Management). Việc tham gia tổ chức này là bắt buộc đối với tất cả các nhà sản xuất, kinh doanh thỏa mãn điều kiện và có nhu cầu sử dụng CDĐL. Chỉ tổ chức đại diện mới có quyền đăng ký và quản lý CDĐL, trao quyền sử dụng và giám sát việc sử dụng đúng đắn CDĐL đối với tất cả các thành viên, đại diện cho tất cả các thành viên trong các mối quan hệ pháp lý liên quan tới CDĐL. Quy định này nhằm hướng tới việc sở hữu và quản lý CDĐL một cách thống nhất, đồng thời đảm bảo các chủ thể sử dụng CDĐL có quyền và trách nhiệm tham gia một cách bình đẳng trong việc tạo lập và quản lý các CDĐL. Điều này có sự khác biệt lớn so với trước đây khi cơ quan nhà nước, đại diện là Cơ quan quốc gia quản lý nguồn gốc và chất lượng (The National Institute of Origin and Quality – Institut national de I’origine et de la qualité (INAO)), có sự can thiệp khá sâu vào quá trình đăng ký và quản lý CDĐL.
Trước năm 2006, việc kiểm soát chất lượng các sản phẩm mang CDĐL (kiểm soát tính phù hợp với các đặc tính, chỉ tiêu được quy định trong bản mô tả CDĐL) hầu hết được thực hiện bởi INAO. Từ năm 2006, việc kiểm soát được tiến hành bởi một tổ chức chứng nhận độc lập do tổ chức đại diện người sản xuất, kinh doanh lựa chọn, đã được kiểm định theo tiêu chuẩn Châu Âu và được INAO chấp thuận. Quá trình chứng nhận và kiểm soát chất lượng này được gọi là kiểm soát ngoại vi (external control). Bên cạnh kiểm soát ngoại vi, người sản xuất kinh doanh tự đảm bảo chất lượng cho sản phẩm của mình, còn gọi là tự kiểm soát (self control), và tổ chức đại diện người sản xuất – kinh doanh tiến hành kiểm soát nội bộ (internal control). Chi phí của việc chứng nhận, kiểm soát do người sản xuất, kinh doanh sản phẩm mang CDĐL chi trả để giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Mô hình cho thấy tính độc lập của mỗi CDĐL trong quá trình quản lý, kiểm soát chất lượng sản phẩm, đồng thời cũng đảm bảo được tính khách quan, minh bạch, hiệu quả và giảm thiểu sự can thiệp của Nhà nước trong quá trình này.
2.4. Gợi ý chính sách cho Việt Nam
Mô hình CDĐL của Việt Nam và EU, đặc biệt là Cộng hòa Pháp, cho thấy sự khác biệt trong cách tiếp cận về vai trò của các chủ thể trong hệ thống CDĐL. Nếu Việt Nam nhấn mạnh vai trò của chủ thể Nhà nước, được đại diện bởi các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong quá trình đăng ký và quản lý CDĐL, Pháp trao quyền chủ đạo cho chủ thể sản xuất kinh doanh mà đại diện là Tổ chức Bảo vệ và Quản lý của mỗi CDĐL. Mặc dù lịch sử hình thành và phát triển hệ thống CDĐL ở mỗi quốc gia khác nhau, kinh nghiệm của Pháp từ góc nhìn đối sánh cũng mang lại một số gợi ý chính sách cho Việt Nam, thể hiện ở hai góc độ: vai trò của Nhà nước và vai trò của chủ thể sản xuất, kinh doanh trong hệ thống CDĐL.
2.4.1. Vai trò của Nhà nước trong hệ thống CDĐL
Hệ thống CDĐL của Pháp, như đã trình bày tại mục 2.3.2, thể hiện rõ rệt mục tiêu giảm sự can thiệp trực tiếp của Nhà nước từ năm 2006. Theo đó, Nhà nước chỉ quản lý các CDĐL ở cấp độ vĩ mô. Việc thực hiện đăng ký và trực tiếp quản lý CDĐL thuộc về người sản xuất, kinh doanh và tổ chức đại diện của họ. Sự độc lập của người sản xuất, kinh doanh và tổ chức đại diện của họ thể hiện cả ở phương diện hoạt động và phương diện tài chính, nghĩa là chế độ tự chịu trách nhiệm nhằm tăng cường tính chủ động của chủ thể sản xuất, kinh doanh, cũng như để giảm gánh nặng cho Nhà nước.
Tại Việt Nam, như đã đề cập tại mục 2.2, Nhà nước gần như thực hiện tất cả các khâu liên quan, từ đăng ký đến quản lý CDĐL. Điều này ảnh hưởng sâu sắc đến tính tích cực, chủ động của người sản xuất, kinh doanh và tổ chức đại diện của họ. Vậy hệ thống CDĐL của Việt Nam có nên cải cách theo hướng của Pháp hay không? Rõ ràng, sự can thiệp sâu của Nhà nước vào hệ thống CDĐL như kinh nghiệm thực tế đã thấy ở Việt Nam khiến cho hoạt động của hệ thống trở nên mang tính hành chính, kém hiệu quả và hạn chế sự chủ động từ phía các chủ thể sản xuất, kinh doanh. Song, theo ý kiến chúng tôi, nếu thoát ly hoàn toàn sự can thiệp của Nhà nước như mô hình của Pháp tại thời điểm này chưa phải là giải pháp tối ưu, thể hiện trên hai khía cạnh được trình bày sau đây.
Thứ nhất, về góc độ lý thuyết, như đã trình bày tại mục 2.1, CDĐL tại Việt Nam bao hàm hai yếu tố: yếu tố tự nhiên và yếu tố con người. Yếu tố tự nhiên do điều kiện tự nhiên mang lại, trong đó bao gồm các nguồn tài nguyên thiên nhiên như tài nguyên đất, tài nguyên nước, các nguồn gen động thực vật... Theo pháp luật Việt Nam, các nguồn tài nguyên thiên nhiên thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu (Điều 53 Hiến pháp 2013). Do vậy, sự tham gia của Nhà nước vào quá trình đăng ký và quản lý CDĐL là tất yếu do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu của các tài nguyên vốn là một trong các yếu tố cấu thành của CDĐL, đồng thời đảm bảo việc phân phối, sử dụng các tài nguyên này một cách bền vững trong quá trình sản xuất các sản phẩm mang CDĐL. Bên cạnh đó, với các quốc gia đang phát triển như Việt Nam, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng sự tham gia của Nhà nước vào quá trình hình thành và phát triển các CDĐL là cần thiết nhằm gắn chúng với các chính sách xóa đói giảm nghèo, phát triển nông thôn, bảo vệ môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học.[10] Ngoài ra, do các CDĐL còn được xem như “di sản quốc gia”, “bản sắc quốc gia”, cần phải phát huy vai trò đại diện của Nhà nước trong các tranh chấp liên quan đến CDĐL mang tính quốc tế, điển hình như vụ tranh chấp liên quan đến Chỉ dẫn địa lý Buôn Mê Thuột được một công ty nước ngoài đăng ký tại Trung Quốc dưới dạng nhãn hiệu xảy ra vào năm 2013.[11]
Thứ hai, về góc độ thực tiễn, do các CDĐL đều có nguồn gốc từ các địa phương thuộc vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu vùng xa..., năng lực tài chính và kỹ thuật của các chủ thể sản xuất, kinh doanh và các tổ chức đại diện của họ đều hạn chế, thậm chí có nhiều trường hợp các tổ chức đại diện còn chưa được hình thành mặc dù CDĐL đã được đăng ký. Do vậy các chủ thể sản xuất, kinh doanh và các tổ chức đại diện của họ chưa đủ năng lực độc lập để tiến hành đăng ký và quản lý các CDĐL. Cá biệt có những trường hợp quyền quản lý đã được Nhà nước ủy quyền cho tổ chức tập thể, song tổ chức không thể đảm đương được trách nhiệm.[12] Hơn nữa, một số CDĐL có thể mang lại lợi ích kinh tế trước mắt và lâu dài cho các chủ thể sản xuất kinh doanh nên họ rất tích cực tham gia đóng góp cho sự phát triển của CDĐL, như trường hợp CDĐL Chả mực Hạ Long; song trong một số trường hợp CDĐL chỉ mang tính chất “biểu tượng” cho bản sắc địa phương mà ít mang lại giá trị kinh tế, như trường hợp CDĐL Hoa mai vàng Yên Tử, nên sự “bao cấp” của Nhà nước là một tất yếu để đảm bảo CDĐL có thể tồn tại.[13] Chính vì vậy, vai trò tham gia của Nhà nước ở thời điểm hiện tại vẫn thực sự cần thiết cho sự hình thành và phát triển các CDĐL ở Việt Nam.
Vấn đề ở chỗ, sự tham gia của Nhà nước sẽ thể hiện đến đâu, ở mức độ nào, bởi vẫn cần phát huy sự chủ động tích cực của các chủ thể sản xuất, kinh doanh và các tổ chức tập thể. Quan điểm của chúng tôi thể hiện ở sự pha trộn giữa hai mô hình: mô hình hiện tại của Việt Nam với vai trò chủ đạo của Nhà nước và mô hình của Pháp với sự chủ động, độc lập của các chủ thể sản xuất, kinh doanh. Cụ thể, Nhà nước sẽ giữ vai trò kiến tạo và phát triển các điều kiện về tài chính, kỹ thuật ban đầu trước khi trao quyền tự chủ cho chủ thể sản xuất kinh doanh và các tổ chức tập thể. Mô hình này không chỉ xuất phát từ lý thuyết về vai trò của Nhà nước đối với các CDĐL mà còn được minh chứng qua kinh nghiệm thực tế của các địa phương, điển hình là Quảng Ninh trong giai đoạn gần đây.
2.4.2. Vai trò của các chủ thể sản xuất, kinh doanh và các tổ chức tập thể
Như đã đề cập tại mục 2.2, vai trò của các chủ thể sản xuất kinh doanh và các tổ chức tập thể tại Việt Nam hiện nay khá mờ nhạt. Để thúc đẩy sự phát triển của các CDĐL, vai trò chủ động của loại chủ thể này hết sức cần thiết, thể hiện cả ở phương diện lý thuyết và thực tiễn.
Trước hết, trên cơ sở lý thuyết về SHTT, quyền SHTT là sự trả công xứng đáng cho sự đầu tư vào hoạt động sáng tạo – với tư cách là động lực cho sự phát triển của toàn xã hội. Đối với CDĐL, cộng đồng người sản xuất, kinh doanh là những người đã đầu tư lao động chân tay và lao động trí tuệ để làm nên quy trình, bí quyết và danh tiếng của sản phẩm trong suốt quá trình lịch sử, do vậy quyền pháp lý của họ đối với CDĐL cần phải cao hơn quyền sử dụng CDĐL đơn thuần do Nhà nước trao cho. Bên cạnh đó, thực tế cho thấy, từ quá trình đăng ký đến quá trình quản lý CDĐL, nếu không có sự đóng góp của các chủ thể sản xuất kinh doanh trong việc xây dựng các tiêu chí, tiêu chuẩn đặc thù của CDĐL và đảm bảo các tiêu chí, tiêu chuẩn này trong quá trình sản xuất, kinh doanh, CDĐL không tồn tại. Do vậy, chủ thể sản xuất, kinh doanh cần giữ vai trò chủ động từ giai đoạn hình thành đến quá trình duy trì, phát triển CDĐL.
Tuy nhiên, do tính tập thể của CDĐL, chúng tôi cho rằng cần có một tổ chức tập thể đại diện cho tất cả các chủ thể sản xuất, kinh doanh nhằm quản lý CDĐL một cách thống nhất và đảm bảo sự tham gia, đóng góp và hưởng lợi một cách công bằng giữa tất cả các thành viên của tổ chức. Đồng thời, tổ chức này cũng chịu trách nhiệm kiểm soát nội bộ chất lượng sản phẩm mang CDĐL. Do vậy, mô hình tổ chức đại diện cho người sản xuất, kinh doanh với tư cách là thực thể duy nhất có quyền đăng ký và quản lý CDĐL như đang áp dụng tại Pháp là mô hình hoàn toàn phù hợp cho Việt Nam. Trên thực tế, như đã trình bày tại mục 2.2, loại hình tổ chức này đã và đang tồn tại tại Việt Nam, hoạt động dưới các hình thức, tên gọi khác nhau như “Hội”, “Hiệp hội”, “Hợp tác xã”. Tuy nhiên, như phân tích tại mục 2.2 và mục 4.1, các tổ chức này hiện nay mức độ phát triển không đồng đều và hầu hết chưa đủ mạnh để có thể thực hiện việc đăng ký và quản lý CDĐL một cách độc lập. Thực tiễn này trái với Pháp – quốc gia có lịch sử hàng thế kỷ phát triển các hiệp hội ngành nghề gắn với các CDĐL nổi tiếng. Vì lý do trên, các tổ chức tập thể tại Việt Nam cần phải có giai đoạn “quá độ” cho đến khi đủ độ “chín” cần thiết để có thể đảm nhiệm sứ mệnh một cách độc lập. Trong giai đoạn “quá độ” đó, sự hỗ trợ từ phía Nhà nước vẫn là cần thiết, như đã nhấn mạnh tại mục 4.1.
3. Kết luận
Bài viết đã phân tích từ góc độ lý thuyết và thực tiễn vai trò của Nhà nước và các chủ thể sản xuất, kinh doanh cũng như các tổ chức đại diện của họ trong hệ thống CDĐL tại Việt Nam. Bài viết đã chỉ ra những bất cập trong thực tế triển khai CDĐL nếu không trao quyền độc lập, chủ động cho các chủ thể sản xuất, kinh doanh trong quá trình đăng ký và quản lý các CDĐL. Trên cơ sở kinh nghiệm của Pháp, bài viết đề xuất cải cách khung pháp lý tại Việt Nam về CDĐL trong tương lai theo hướng trao quyền nhiều hơn cho các chủ thể sản xuất, kinh doanh nhằm phát huy tính tích cực, chủ động của họ. Tuy nhiên, trong bối cảnh các tổ chức tập thể tại Việt Nam hiện nay phát triển chưa đồng đều, năng lực kỹ thuật và tài chính còn hạn chế, cần có một giai đoạn “quá độ” trước khi các tổ chức này có thể độc lập đảm nhiệm vai trò của mình trong việc đại diện các chủ thể sản xuất, kinh doanh nắm giữ vai trò chủ đạo trong quá trình đăng ký và quản lý CDĐL.
(Bài viết đăng trên Tạp chí Dân chủ & Pháp luật số tháng 11/2020)
[1] Lê Thị Thu Hà (2011), Bảo hộ chỉ dẫn địa lý của Việt Nam trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế, Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông, Tr. 131.
[2] Barbara Pick, Delphine Marie-Vivien & Dong Bui Kim (2017), The use of geographical indications in Vietnam: A promising tool for socioeconomic development? Cambridge University Press, Tr. 317
[4] Phỏng vấn ông Lưu Đức Thanh – Giám đốc Trung tâm Thẩm định Chỉ dẫn địa lý và Nhãn hiệu quốc tế - Cục Sở hữu trí tuệ (Ngày 11/9/2020).
[5] Phỏng vấn ông Lưu Đức Thanh (Ngày 11/9/2020).
[7] Xem Quyết định số 1401/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang ngày 25/6/2014 về việc ban hành Quy định quản lý và sử dụng chỉ dẫn địa lý Phú Quốc cho sản phẩm nước mắm.
[8] Xem Quyết định số 5879/2011/QĐ-UBND của Uỷ ban nhân dân huyện Thanh Hà ngày 5/10/2011 về việc ban hành Quy định quản lý và sử dụng chỉ dẫn địa lý Thanh Hà cho sản phẩm quả vải thiều.
[9] Thông tin tác giả tổng hợp từ: Delphine Marie-Vivien, Laurence Bérard, Jean-Pierre Boutonnet and Francois Casabianca (2017), Are French Geographical Indications Losing their soul? Analyzing recent developments in the governance of the link to the origin in France, World Development Vol. 98, tr. 25-34.
[12] Phỏng vấn ông Lưu Đức Thanh (Ngày 11/9/2020).
[13] Phỏng vấn ông Bùi Quang Minh – Phó Giám Đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Ninh (Ngày 18/9/2020).
Nguyễn Thị Minh Hạnh[1], Trịnh Thị Ngọc Anh[2], Lê Thị Yến[3]
[1] Tiến sĩ, Học viện Nông nghiệp Việt Nam.
[2] Thạc sĩ, Học viện Nông nghiệp Việt Nam.
[3] Thạc sĩ, Học viện Nông nghiệp Việt Nam.