Các môn Khoa học chính trị bao gồm 5 môn: Triết học Mác – Lênin  kinh tế chính trị Mác – Lênin, chủ nghĩa xã hội khoa học, tư tưởng Hồ Chí Minh và Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam (với tổng 11 tín chỉ). Để góp phần giúp các sinh viên (SV) có thêm hiểu biết về phương pháp học tập ở đại học và học các môn khoa học chính trị, chúng tôi có một số gợi ý sau:

leftcenterrightdel
 

Thứ nhất, cần có động cơ học tập đúng: SV cần có quyết tâm rèn đức, luyện tài, có hoài bão vươn lên học tập để đạt kết quả cao nhất với khả năng của mình; cần có tư tưởng đoàn kết, nhiệt tình giúp đỡ, trao đổi thảo luận với nhau về những vấn đề khó trong học tập.

Thứ hai, cần thấy đại học khác với ở phổ thông: - Ở đại học các tác động quản lý của nhà trường tới người học giảm nhiều. SV tự do hơn, đòi hỏi phải tự giác học tập hơn so với khi học ở trung học. - Học đại học lượng kiến thức của một tiết học lớn hơn rất nhiều so với ở cấp 3. SV phải nghiên cứu, tự học nhiều dưới sự hướng dẫn của giáo viên.

Thứ ba, để học tập tốt SV cần chú ý thực hiện các bước sau:

Bước một: đọc trước nội dung phần bài sẽ nghe giảng. Trước khi lên lớp cần cố gắng đọc phần bài giáo viên chuẩn bị giảng ít nhất một lần. Đó là lần học thứ nhất. Nó có tác dụng cho ta tổng quan bài học, khi nghe giảng sẽ không bỡ ngỡ.

Bước hai: lên lớp nghe giảng. Tiếp thu bài giảng của giáo viên trên lớp có hiệu quả cao hơn rất nhiều so với SV tự nghiên cứu mà không lên lớp vì mấy lẽ sau: - Trên lớp có môi trường, không khí học tập - Kiến thức SV tự nghiên cứu là chữ viết, là ngôn ngữ “chết”. Kiến thức SV được giáo viên (GV) truyền đạt trên lớp là kiến thức sống động vì nó thể hiện bằng ngôn ngữ nói, GV sử dụng nhiều phương pháp dạy học tích cực. So với chữ viết, ngôn ngữ nói sinh động, biểu cảm, truyền cảm nên có những tác động mạnh mẽ tới nhận thức của SV. Bài giảng còn được đưa vào nhiều tri thức mới mà giáo trình không có, được phân tích, chứng minh, liên hệ nhiều vấn đề thực tiễn nên sinh động, dễ hiểu. Với những ưu điểm trên, với cùng một ý thức học tập nghiêm túc như nhau, thì việc tự học không thể thay thế cho lên lớp, không thể có hiệu quả bằng việc lên lớp nghe giảng. Khi SV ghi chép bài trên lớp, cần sử dụng bút đỏ ghi hoặc đánh dấu các cấp tiêu đề cho nổi bật, dễ nhìn. SVcần chủ động tự ghi chứ không thụ động chờ thầy đọc cho ghi như ở phổ thông. Cần ghi ngắn gọn, viết tắt nhiều, ghi bằng ký hiệu, ghi những ý chính dưới dạng các gạch đầu dòng. Không nên ghi dưới dạng hoàn chỉnh như bài văn viết vì không có thời gian để ghi, và vì phải tiết kiệm thời gian để nghe và ghi được nhiều. Vở ghi nhất thiết phải chừa lề vì nó thuộc vào thẩm mỹ và lề đó dùng để tự học, ghi bổ sung thêm khi tự học.

leftcenterrightdel
 

Bước ba: soạn đề cương học tập. Bắt đầu vào học, các giáo viên thường trao cho SV 1 hệ thống các câu hỏi gợi ý để về nhà nghiên cứu. SV căn cứ vào bài giảng và giáo trình môn học để nghiền ngẫm soạn đề cương học tập theo từng câu hỏi ngay sau buổi học. Đây là khâu quan trọng nhất vì: thứ nhất, nó thể hiện sự vận dụng quy luật về tốc độ quên được đề cập sau đây; thứ hai, là bước tự nghiên cứu để nắm bản chất và hệ thống vấn đề, là khâu tổ chức để ôn tập, ghi nhớ; thứ ba, đề cương chính là tài liệu để SV có thể tham gia thảo luận tốt và nó là tài liệu dùng để ôn thi. Thời gian ôn thi theo quy định của Bộ GD-ĐT mỗi đơn vị học trình có một buổi. Nếu có đề cương sẵn ta chỉ việc ôn lại thì mới đủ thời gian ôn thi. Đề cương là kết quả của việc nghiền ngẫm, nghiên cứu nhiều lần. Nó được ghi chép thật ngắn gọn với những luận điểm quan trọng, gợi nhớ, được cấu trúc thành hệ thống sao cho bản thân SV thấy được vị trí, quan hệ giữa các vấn đề. Cần tránh kiểu chép lại sách một cách dài dòng, hoặc photocopy đề cương học tập của người khác, hoặc chỉ học trong giáo trình, vở ghi vì đó là cách học thụ động.

leftcenterrightdel
 

Bước bốn: tham gia tích cực thảo luận. Mỗi môn đều có thể có thời gian thảo luận theo nhóm, bằng 1/4 đến 1/3 tổng số tiết của môn học. Việc thảo luận thường là theo chuyên đề. Để tham gia thảo luận tốt cần: - Dựa trên đề cương học tập đã biên soạn, các bạn có thể nhanh chóng lập ra đề cương vắn tắt để tham gia thảo luận chuyên đề. - Trong thảo luận cần tập trung tư tưởng, nghe và tham gia tranh luận, phát biểu ý kiến. - Bạn nên tranh thủ ghi chép thật vắn tắt nội dung vấn đề thảo luận, bổ sung một số ý quan trọng vào đề cương của mình. Nếu không chuẩn bị trước đề cương ôn tập, bạn sẽ “không có vốn” để tham gia thảo luận. Do vậy, thời gian thảo luận trở thành nhàm chán. Bạn sẽ sợ bị giáo viên chỉ định tham gia phát biểu một khía cạnh nào đó. Bước năm: kiểm tra. Các môn học đều được kiểm tra sau mỗi học trình. Mỗi lần kiểm tra là một lần đánh giá bước đầu về kết quả tổ chức học tập. Qua đó bạn rút kinh nghiệm về các tổ chức ghi nhớ, ôn tập, cách viết bài. Bước sáu: ôn thi. Bạn cần có tâm lý thoải mái, phân bố thời gian cho các nội dung cần ôn thi, cần có thời gian nghỉ ngơi hợp lý. Không nên thức quá khuya, đảo lộn nề nếp học tập và sinh hoạt. Các câu hỏi đã được chuẩn bị, học và ôn luyện qua năm bước trên là cơ sở vững chắc cho tâm lý thoải mái, tự tin trong khi ôn tập. Trong quá trình học tập cũng như ôn thi, bạn luôn luôn nhớ rằng phải học và ôn theo kiểu cuốn chiếu các vấn đề. Tự mình thực hiện “nhớ lại” nội dung mới là “thuộc” bài, làm chủ được kiến thức, không nên học theo kiểu “nhận lại” kiến thức bằng cách giở sách “tụng kinh”

Để học tập tốt SV cần chú ý một số quy luật: Thứ nhất: Quy luật về “tốc độ quên” Sau khi nghe giảng trên lớp, tỷ lệ lượng kiến thức tiếp thu được sẽ quên với tốc độ giảm dần. Sau ngày thứ nhất lượng kiến thức quên 60%, ngày thứ hai 20%, ngày thứ ba quên gần hết. Người ta chỉ còn ghi nhớ những gì tạo nên ấn tượng mạnh mẽ. Vận dụng quy luật này chúng ta cần lưu ý lên lớp ngày nào, ôn tập, ghi chép, tóm tắt lại ngay trong ngày đó. Sau đó tổ chức việc ôn tập “cuốn chiếu”. Thứ hai: Quy luật về sự “nhớ” “Nhớ” một đối tượng (nội dung căn bản, người, sự vật hoặc hiện tượng) có hai mức độ: - Một là “nhận lại”: nhận lại là sau khi tiếp xúc với một đối tượng, đối tượng không còn xuất hiện trước mắt ta, ta quên lãng nó; sau đó tiếp xúc lại với đối tượng, ta nhận ra nó là đối tượng ta đã từng tiếp xúc. Đối với SV, điều này có nghĩa là sau khi học bài, mỗi lần giở vở ra, thoáng nhìn nội dung bài học đến đâu, ta đều thấy nhớ nội dung đến đó. Ta tưởng như vậy là đã thuộc, ghi nhớ được vấn đề. Nhưng khi gấp sách lại ta không thể nhớ được nội dung. Như vậy mới chỉ là “nhận lại” kiến thức, nắm kiến thức chưa sâu sắc, chưa nắm vững bản chất vấn đề. - Hai là “nhớ lại”: Nghĩa là sau khi tiếp xúc với một số đối tượng, đối tượng không còn xuất hiện trước mắt, ta có thể chủ động nhớ lại được nó khi cần. Điều này đối với SV có nghĩa là ta đã nắm vững bản chất, nội dung vấn đề. Do đó ta có thể chủ động đưa kiến thức ra sử dụng khi cần thiết. Từ hai mức độ nhớ trên, ta cần tổ chức học và ôn tập sao cho có thể “nhớ lại” được những nội dung cơ bản của vấn đề một cách chủ động, không nên dừng lại ở mức “nhận lại” vấn đề. Thứ ba: Nhiều giác quan tham gia trong quá trình học tập thì hiểu vấn đề, ghi nhớ sẽ nhanh và sâu sắc hơn. Cần nắm vững những vấn đề theo hệ thống. Nghĩa là: - Phải nắm được những nội dung chính, những nội dung cốt lõi. - Phải thấy được mối quan hệ giữa các vấn đề. - Trên cơ sở của những nội dung phải biết dùng ngôn ngữ và sự hiểu biết của mình để diễn đạt thành câu hoàn chỉnh. Khi nói, viết phải chú ý đến các câu chuyển tiếp, liên hệ giữa vấn đề này với vấn đề khác. - Với các định nghĩa, khái niệm: phải đảm bảo tính chính xác.

Kết luận: Để học tốt SV cần phân bổ thời gian đều cho các ngành môn học, có thời gian học, nghỉ ngơi, rèn luyện thân thể, tham gia các hoạt động tập thể tốt, đảm bảo quan hệ với thầy, cô giáo, bạn bè tốt, có hoài bão và quyết tâm vươn lên theo khả năng của mình. Mong rằng mỗi SV chúng ta sẽ luôn có kết quả học tập tốt.

Người sưu tầm: Nguyễn Thị Minh Nguyệt - Khoa Khoa học xã hội