Gia đình là một hình thức cộng đồng xã hội đặc biệt, được hình thành, duy trì và củng cố chủ yếu dựa trên cơ sở hôn nhân, quan hệ huyết thống và quan hệ nuôi dưỡng, cùng với những quy định về quyền và nghĩa vụ của các thành viên trong gia đình.

            Trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, dưới tác động của  nhiều yếu tố khách quan và chủ quan như: phát triển của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức, xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về gia đình…, gia đình Việt Nam đã có sự biến đổi tương đối toàn diện, về quy mô, kết cấu, các chức năng cũng như quan hệ gia đình....

            Thứ nhất, sự biến đổi về quy mô gia đình: quy mô gia đình ngày càng giảm. Xu hướng giảm quy mô gia đình do tác động của nhiều nguyên nhân, trong đó phải kể đến vai trò của Nhà nước trong cuộc vận động sinh đẻ có kế hoạch trong những năm 1980, 1990. Bên cạnh đó, sự thay đổi mô hình chung sống giữa các thế hệ cũng là nguyên nhân dân đến xu hướng giảm quy mô gia đình.

            Thứ hai, sự biến đổi các chức năng của gia đình:

             - Chức năng tái sản xuất ra con người: Trong xã hội truyền thống, nhu cầu về con cái của gia đình thể hiện trên các phương diện như càng đông con, nhiều cháu càng tốt và nhất thiết phải có con trai. Hiện nay, nhu cầu đông con trong các gia đình đã giảm, đặc biệt một số gia đình không còn coi trọng việc nhất thiết phải có con trai …

- Chức năng kinh tế của gia đình: nếu gia đình Việt nam truyền thống là một đơn vị kinh tế khép kín thì gia đình hiện nay là một đơn vị sản xuất hàng hoá.

- Chức năng giáo dục con cái, chăm sóc các thành gia đình: Gia đình truyền thống chủ yếu chú trọng giáo dục đạo đức, nhân cách cho thế hệ trẻ; gia đình hiện nay không chỉ giáo dục về đạo đức, nhân cách mà còn chú trọng giáo dục về kỹ năng, chuyên môn và việc đầu tư cho con cái học hành ngày càng nhiều hơn.

Thứ ba, sự biến đổi mối quan hệ gia đình

- Quan hệ giữa vợ và chồng

Trong gia đình truyền thống luôn luôn tồn tại sự bất bình đẳng về giới giữa vợ và chồng. Trong gia đình Việt Nam hiện nay, sự bình đẳng giữa vợ và chồng đã dần được thể hiện. Chẳng hạn, hiện nay, không còn một mô hình duy nhất là đàn ông làm chủ gia đình. Ngoài mô hình người đàn ông - người chồng làm chủ gia đình ra thì còn có ít nhất hai mô hình khác cùng tồn tại. Đó là mô hình người phụ nữ - người vợ làm chủ gia đình và mô hình cả hai vợ chồng cùng làm chủ gia đình (Lê Ngọc Văn, 2012).

- Quan hệ giữa cha mẹ và con cái

Trong gia đình truyền thống, cha mẹ có uy quyền tuyệt đối với con cái. Con cái phải có bổn phận phục tùng cha mẹ. Trong gia đình hiện nay, mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái đã dân chủ hơn, con cái được quyền bày tỏ ý kiến, được lựa chọn, quyết định nhiều vấn đề liên quan đến bản thân mình...

            Như vậy, quá trình biến đổi gia đình truyền thống thành gia đình hiện đại trên nền tảng của tự do kinh tế và tự do hôn nhân, rộng hơn nữa là tự do cá nhân đang làm thay đổi về cơ bản quy mô, chức năng và cấu trúc gia đình. Sự biến đổi này là một tất yếu, vì vậy, xây dựng gia đình Việt Nam hiện nay cần xem xét những biến đổi nào là phù hợp, những biến đổi nào là không phù hợp để có những giải pháp để xây dựng gia đình VN phát triển bền vững trong tương lai.

                           TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.   Lê Ngọc Văn (2010), Một số vấn đề cơ bản về gia đình Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020,  Đề tài cấp Bộ, Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Viện Gia đình và Giới, Hà Nội.

2.      Lê Ngọc Văn (2011), Gia đình và biến đổi gia đình ở Việt Nam, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội.

3.      Lê Ngọc Văn (2012), Gia đình và biến đổi gia đình ở Việt Nam, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội.

4.      Uỷ ban dân số gia đình và trẻ em (2002), Tài liệu nâng cao kiến thức dân số, tập 2

Hà Thị Yến - Khoa Khoa học xã hội