“Tôn sư trọng đạo” luôn là một nét đẹp mang đậm tính nhân văn của văn hóa Việt Nam. Từ truyền thống hiếu học, ông cha ta đã đúc rút thành đạo lý từ ngàn đời  “Lương Sư hưng Quốc”. Một xã hội muốn hưng thịnh, muốn phát triển thì phải coi trọng người thầy, coi trọng sự học.Trong mọi giai đoạn, quan hệ thầy- trò luôn là một mối quan hệ đặc biệt. Trong xã hội xưa, mối quan hệ thầy và trò đã được nhắc đến và được cụ thể hóa qua những bài học, lời dạy bảo của thầy đối với trò; trong  cử chỉ, hành động của trò đối với thầy. Ngày nay, mối quan hệ thầy và trò có một màu sắc khác, một đặc trưng riêng biệt.

Trong nền giáo dục truyền thống, Thầy và trò luôn có một khoảng cách nhất định. Thầy có “đạo làm thầy”, trò có “đạo làm trò”, mỗi người đều có bổn phận để làm tròn vai vị trí của mình. Người thầy luôn có thái độ nghiêm khắc trước học trò. Từ lời nói, cử chỉ, hành động của thầy đều thể hiện tính “mô phạm” để giáo dục học trò. Thầy luôn coi trọng giáo dục đạo đức, nhân cách cho trò để mỗi người khi thành đạt trở thành những con người vừa có đức, vừa có tài. Chính vì lẽ đó, trong quan hệ thầy- trò, thầy luôn đặt ra yêu cầu đối với học trò: hiểu  biết lễ nghĩa, thưa gửi khi giao tiếp với thầy, phải giữ chữ tín, đi đứng phải đúng mực, nhận và sửa chữa khi mắc lỗi…

leftcenterrightdel
 

Đối với học trò trong xã hội xưa, người thầy luôn là bậc bề trên.. Họ vừa kính trọng thầy dạy, vừa có những hành động để thể hiện lòng biết ơn thầy như câu nói dân gian: : “Mùng 1 tết cha, mùng 2 tết chú, mùng 3 tết thầy”. Mối quan hệ giữa thầy và trò trong xã hội xưa không bị chi phối bởi các yếu tố tiêu cực của xã hội mà chủ yếu xuất phát từ những triết lý giáo dục. Từ lời dạy, lễ nghĩa, cử chỉ, hành động của thầy đối với trò đều mang tính giáo dục

Trong xã hội hiện đại, với tác động của nhiều yếu tố, quan niệm về sự học và mối quan hệ giữa thầy và trò đã có nhiều thay đổi, mang màu sắc mới trên nền tảng những giá trị truyền thống. Mối quan hệ giữa thầy và trò không còn bị chi phối bởi những giáo lý nghiêm ngặt như trong xã hội xưa mà có phần được giảm nhẹ, giản hóa những quy định về lễ nghĩa. Khoảng cách giữa thầy và trò không cách xa như trước. Triết lý giáo dục cũng có nhiều sự thay đổi.  Nền giáo dục cho tất cả mọi người vừa tạo nền tảng dân trí vừa tập trung vào đỉnh cao và mũi nhọn. Từ đó cũng như nhiều mối quan hệ khác, quan hệ thầy trò ngày càng mang đậm tính nhân văn, dân chủ, tiến bộ; phù hợp xu thế phát triển của nhân loại. Thay vì sự truyền đạt tri thức một chiều với vai trò tối thượng của người thầy, nền giáo dục hiện đại hướng đến tinh thần chủ động lĩnh hội tri thức, rèn luyện kỹ năng của trò; quan hệ thầy trò là quan hệ hợp tác. Không những thế, xét về nguyên tắc lợi ích, vai trò của người dạy và người học được phân định khá rõ ràng. Người học được trang bị những tri thức và kỹ năng nhất định (vì lợi ích ấy, người học phải đóng góp tài chính để góp phần tạo nguồn kinh phí trả lương cho người thầy, trang trải phí tổn và duy trì cơ sở đào tạo, v.v.); người dạy tham gia hoạt động giáo dục với tư cách người hành nghề.

leftcenterrightdel
 

Trong mọi xã hội, quan hệ thầy- trò, truyền thống “tôn sư trọng đạo” luôn được đề cao

Tuy nhiên, với tác động mặt trái của cơ chế thị trường,mối quan hệ giữa thầy và trò cũng nảy sinh những tiêu cực. Trong thực tế đã nảy sinh những hiện tượng không mong muốn nơi học đường như: tiêu cực trong đánh giá người học vì vật chất; các hình thức trách phạt phản giáo dục; dạy thêm tràn lan để tăng thu nhập; chạy theo thành tích; sự thiếu tôn trọng của người học đối với người thầy…Quan hệ thầy- trò đôi khi còn bị “vật chất hoá”. Nhưng cũng có một thực tế là ở nơi nào người thầy còn có tâm huyết, yêu thương và tôn trọng học trò, mang hết khả năng để giảng dạy và giáo dục học sinh, bản thân họ còn giữ được nhân cách trong sáng, lại có chuyên môn cao thì nhất định vẫn được mọi tầng lớp học trò kính trọng

Có thể thấy, ở bất kỳ giai đoạn nào của sự phát triển xã hội, hình ảnh người thầy và sự học cũng luôn và cần được coi trọng. Trong đó, mối quan hệ thầy và trò luôn được duy trì trong quá trình giáo dục. Để giữ đúng tính nhân văn trong quan hệ giữa thầy và trò, các nhà trường cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống, đạo lý “Tôn sư trọng đạo” thông qua các ngày lễ lớn, đặc biệt là ngày Nhà giáo Việt Nam.

Nguồn: Sưu tầm và tổng hợp