Khi cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai bước vào giai đoạn kết thúc với những thắng lợi quyết định của Liên Xô và phe Đồng minh, xác định thời cơ cách mạng đã đến, ngày 4//5/1945, Hồ Chí Minh rời Pác Bó về Tân Trào (Tuyên Quang) để tiện cho việc kịp thời chỉ đạo cách mạng. Với tầm nhìn xa, trông rộng, giữa tháng 5/1945, Hồ Chí Minh yêu cầu trung úy Giôn (John), báo vụ của OSS (cơ quan phục vụ chiến lược Mỹ), điện về Côn Minh, đề nghị thả dù cho Người cuốn Tuyên ngôn Độc lập của Hoa Kỳ để Người chuẩn bị cho việc viết Tuyên  ngôn Độc lập.

          Ngày 14/8/1945, phát xít Nhật đầu hàng Đồng minh vô điều kiện. từ ngày 13 đến 15-8-1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng cộng sản Đông Dương họp tại Tân Trào (Tuyên Quang) quyết định Tổng khởi nghĩa trong toàn quốc, giành chính quyền trước khi quân đồng minh vào Đông Dương.

Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng về căn cứ cách mạng, tổ chức chính trị, lực lượng cách mạng, đặc biệt là đội quân vũ trang tinh nhuệ, cùng với yếu tố thuận lợi về thời cơ cách mạng, cuộc Tổng khởi nghĩa đã nhanh chóng giành được thắng lợi, chính quyền trong cả nước đã thuộc về nhân dân.

Ngày 22/8/1945, Hồ Chí Minh rời Tân Trào về Hà Nội. Tối 25/8, Người vào nội thành, ở tại tầng 2 ngôi nhà 48 Hàng Ngang của gia đình nhà tư sản yêu nước Trịnh Văn Bô.

Sáng 26/8/1945, Hồ Chí Minh triệu tập và chủ trì cuộc họp Thường vụ Trung ương Đảng, bàn các vấn đề như chủ trương đối nội, đối ngoại trong tình hình mới; sớm công bố danh sách thành viên Chính phủ lâm thời; chuẩn bị ra Tuyên ngôn Độc lập, tổ chức mít-tinh lớn ở Hà Nội để Chính phủ ra mắt nhân dân. Ngày ra mắt Chính phủ lâm thời cũng là ngày nước Việt Nam công bố quyền độc lập và thiết lập chính thể Dân chủ Cộng hòa.

Ngày 27/8/1945 Hồ Chí Minh được bầu làm Chủ tịch Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Cùng ngày, Người tiếp các bộ trưởng mới tham gia Chính phủ và đề nghị đầu tháng 9, Chính phủ ra mắt quốc dân và đọc Tuyên ngôn Độc lập mà Người đã chuẩn bị. Người đưa bản thảo để các thành viên Chính phủ xét duyệt, đề nghị duyệt kỹ, vì ta sẽ đọc không phải chỉ để đồng bào cả nước ta nghe, mà còn cho cả Chính phủ Pháp và nhân dân Pháp, cho cả các nước đồng minh nghe.

Ngày 28 và 29/8/1945, ban ngày, Hồ Chí Minh  đến làm việc tại 12 Ngô Quyền, trụ sở của Chính phủ lâm thời. Người dành phần lớn thì giờ soạn thảo bản Tuyên ngôn Độc lập. Buổi tối, tại 48 Hàng Ngang, một căn buồng vừa là phòng ăn, vừa là phòng tiếp khách, Người  tự đánh máy Tuyên ngôn Độc lập ở một cái bàn tròn.

Ngày 30/8/1945, Hồ Chí Minh mời một số đồng chí đến trao đổi, góp ý cho bản thảo Tuyên ngôn Độc lập. Người đọc cho mọi người nghe và hỏi ý kiến. Ngày 31/8, Người bổ sung một số điểm vào bản thảo Tuyên ngôn Độc lập.

14 giờ ngày 2/9/1945, trong cuộc mít - tinh tại vườn hoa Ba Đình, trước hàng chục vạn đồng bào, thay mặt Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập do Người khởi thảo, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tuyên ngôn Độc lập ra đời là một  dấu mốc trọng đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam, tuyên bố chấm dứt chế độ quân chủ phong kiến ở Việt Nam; kết thúc hơn 80 năm nhân dân ta dưới ách đô hộ của thực dân, phát xít. Nước Việt Nam từ nay đã trở thành nước tự do, độc lập; toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy.

leftcenterrightdel
 

Ngày 5/9/1945, báo Cứu quốc số 36, đăng toàn văn bản Tuyên ngôn Độc lập. Dưới bản Tuyên ngôn Độc lập ký tên 15 thành viên của Chính phủ lâm thời: Hồ Chí Minh, Chủ tịch; Trần Huy Liệu, Võ Nguyên Giáp, Chu Văn Tấn, Dương Đức Hiền, Nguyễn Văn Tố, Nguyễn Mạnh Hà, Cù Huy Cận, Phạm Ngọc Thạch, Nguyễn Văn Xuân, Vũ Trọng Khánh, Phạm Văn Đồng, Đào Trọng Kim, Vũ Đình Hòe, Lê Văn Hiến.

Tài liệu tham khảo:

1. Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 4, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011

2. Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, tập 2, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2016

Trần Thị Mai - Khoa KHXH