Thắng lợi Cách mạng Tháng Tám và sự ra đời của Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa là một trong những thắng lợi vĩ đại nhất của cách mạng Việt Nam. Thắng lợi đó gắn liền với công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ thiên tài của Đảng và nhân dân ta.

 Hồ Chí Minh với những quyết định lịch sử

Mùa thu năm 1945, cả dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương và lãnh tụ Hồ Chí Minh, đã vùng lên lật đổ ách thống trị của chủ nghĩa thực dân, xóa bỏ chế độ phong kiến, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là bản hùng ca bất diệt trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam ở thế kỷ XX. Trong bản hùng ca ấy, không thể không kể đến vai trò lĩnh xướng của lãnh tụ Hồ Chí Minh. Người đã có những quyết định quan trọng, góp phần to lớn tạo nên thắng lợi của cách mạng Tháng Tám.

Ngày 28/1/1941 Hồ Chí Minh trở về Tổ quốc sau 30 năm hoạt động ở nước ngoài để trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Từ ngày 10 đến ngày 19/5/1941, tại Pác Bó (Hà Quảng – Cao Bằng), Hồ Chí Minh đã chủ trì Hội nghị Trung ương lần thứ Tám. Hội nghị đã xác định chuyển hướng chiến lược cho cách mạng Việt Nam. Bắt đầu từ đây, Người đã cùng các đồng chí trong Đảng tổ chức xây dựng căn cứ địa cách mạng, làm công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục, giác ngộ quần chúng; chủ trương đoàn kết, tập hợp rộng rãi các giai cấp, tầng lớp để chuẩn bị lực lượng cách mạng.

Sau thời gian xây dựng thí điểm các đoàn thể cứu quốc, Trung ương Đảng, đứng đầu là Hồ Chí Minh, đã quyết định thành lập Việt Nam độc lập Đồng minh (Mặt trận Việt Minh) ngày 19/5/1941. Dưới ngọn cờ của Mặt trận Việt Minh, mọi tầng lớp nhân dân yêu nước ở trong nước và ngoài nước được tập hợp, đoàn kết lại để chuẩn bị lực lượng to lớn cho công cuộc đấu tranh giành độc lập tự do cho dân tộc.

Cùng với việc thành lập Mặt trận Việt Minh, để làm cơ sở và nòng cốt cho đấu tranh chính trị, Hồ Chí Minh đã cho xây dựng lực lượng vũ trang mà đầu tiên là thành lập Đội vũ trang Cao Bằng với nhiệm vụ bảo vệ căn cứ cách mạng, huấn luyện chính trị quân sự cho các đội tự vệ, dân quân du kích địa phương, hậu thuẫn cho các cuộc đấu tranh của quần chúng. Đến tháng 12/1944, Hồ Chí Minh đã ra Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân và giao cho đồng chí Võ Nguyên Giáp phụ trách. Uy tín của đội nhanh chóng lan tỏa khắp cả nước, nhiều địa phương cũng đã chủ động thành lập các đội vũ trang. Nhờ đó, lực lượng vũ trang không ngừng lớn mạnh, tạo điều kiện vô cùng quan trọng cho thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám.

Lãnh đạo Cách mạng tháng Tám thành công, khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa

Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng về căn cứ cách mạng, tổ chức chính trị, lực lượng cách mạng, khi thời cơ cách mạng thuận lợi, nhân dân ta đồng loạt đứng dậy tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền. Từ ngày 13 đến 15/8/1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng họp tại Tân Trào (Tuyên Quang) nhận định thời cơ đã đến, quyết định Tổng khởi nghĩa trong toàn quốc, giành chính quyền trước khi quân đồng minh vào Đông Dương. Ngay trong đêm ngày 13/8/1945, Ủy ban khởi nghĩa đã ra Quân lệnh số 1, phát lệnh tổng khởi nghĩa. Ngày 16 và 17/8/1945, Quốc dân Đại hội họp tại Tân Trào tán thành chủ trương tổng khởi nghĩa của Đảng Cộng sản Đông Dương, thông qua 10 chính sách lớn của Việt Minh, thành lập Ủy ban Dân tộc giải phóng do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Trong Thư kêu gọi tổng khởi nghĩa, Hồ Chí Minh chỉ rõ với đồng bào cả nước: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”.[1, tr.596]

Dưới sự lãnh đạo của Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh, hơn hai mươi triệu đồng bào ta, với tinh thần “đem sức ta mà giải phóng cho ta” đã tiến hành Tổng khởi nghĩa thằng lợi, giành chính quyền về tay nhân dân, tiêu biểu là các cuộc khởi nghĩa ở Hà Nội (19/8), Huế (23/8), Sài Gòn (25/8). Đặc biệt, khởi nghĩa thắng lợi ở Hà Nội gây tiếng vang lớn trong cả nước, góp phần làm tan rã nhanh chóng toàn bộ hệ thống bộ máy chính quyền tay sai của Nhật.

leftcenterrightdel
 

Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập tại quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám đã chứng tỏ Hồ Chí Minh và Đảng ta đã vận dụng nghệ thuật "thế" và "thời" rất tài tình. Thời cơ chín muồi cho tổng khởi nghĩa là lúc Hồng quân Liên Xô đánh bại đạo quân Quan Đông của Nhật. Nếu cuộc tổng khởi nghĩa nổ ra sớm hơn khi Nhật chưa đầu hàng Đồng Minh thì sẽ gặp nhiều khó khăn hơn. Quân Nhật tuy đã thua trận song vẫn còn đủ lực lượng để chống phá cách mạng quyết liệt, cách mạng có thể bị tổn thất và cuộc tổng khởi nghĩa chưa thể giành được thắng lợi trên cả nước nhanh chóng như vậy. Cuộc tổng khởi nghĩa đã nổ ra khi quân Nhật đang mất hết tinh thần và sức chiến đấu, nên sự phản ứng, đối phó rất yếu ớt. Nếu cuộc khởi nghĩa nổ ra muộn hơn, khi lực lượng Đồng Minh đã vào nước ta (quân đội Tưởng Giới Thạch và theo sau là bọn phản động Việt Quốc, Việt Cách ở phía Bắc) và quân Anh, theo sau là quân Pháp ở phía Nam); họ có thể lập ra chính quyền thân Đồng Minh, cách mạng sẽ gặp nhiều khó khăn..

Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Trước hết đã chứng minh rằng, Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, với đường lối chiến lược và sách lược đúng đắn, đã lãnh đạo nhân dân  ta tiến hành Cách mạng tháng Tám thành công, lập nên nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Thắng lợi này là sự hội tụ của ý chí độc lập tự chủ, tự lực, tự cường của dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng; là thắng lợi của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin vào điều kiện cụ thể của cách mạng Việt Nam để “lựa tình thế, chọn thời cơ”. Đồng thời, với thắng lợi này, cũng chứng minh rằng, một dân tộc dù nhỏ bé nhưng với truyền thống yêu nước nồng nàn, ý chí tự lực, tự cường, thông minh, sáng tạo dưới sự lãnh đạo của đảng cách mạng chân chính thì vẫn có thể giành thắng lợi trước một đế quốc hùng mạnh trên thế giới.

Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 là động lực mạnh mẽ cổ vũ toàn thể dân tộc Việt Nam kiên cường, bất khuất tiếp tục sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội, thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới đưa nước ta phát triển để có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày hôm nay.

Không chỉ có ý nghĩa quan trọng đối với dân tộc Việt Nam, thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám 1945 đã cổ vũ mạnh mẽ cuộc đấu tranh của các dân tộc bị áp bức chống ách nô dịch của chủ nghĩa đế quốc, mở ra thời kỳ tan rã của chủ nghĩa thực dân trên toàn thế giới. Đánh giá ý nghĩa lịch sử của Cách mạng tháng Tám, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Chẳng những giai cấp lao động và nhân dân Việt Nam ta có thể tự hào, mà giai cấp lao động và những dân tộc bị áp bức nơi khác cũng có thể tự hào rằng: Lần này là lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa, một Đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc”. [2, tr.25]

Đã 76 năm trôi qua nhưng thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu cho Đảng và nhân dân ta vận dụng vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước hiện nay. Đó là bài học về chớp thời cơ và tận dụng thời cơ để giành thắng lợi. Bài học về tập hợp, đoàn kết, lôi cuốn toàn dân tham gia sự nghiệp cách mạng, tham gia sự nghiệp xây dựng đất nước; nâng cao ý thức tự lực tự cường, phát huy mọi tiềm năng sáng tạo của dân tộc, đồng thời mở rộng hợp tác quốc tế. Bài học về xây dựng và củng cố nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân; giữ vững ổn định chính trị, xã hội, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tạo thuận lợi cho công cuộc xây dựng đất nước Việt Nam: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh…

Kỷ niệm mùa thu Tháng Tám lịch sử, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp hiện nay, việc trở lại áp dụng các bài học trên, nhất là bài học về phát huy tinh thần đại đoàn kết, yêu thương đùm bọc lẫn nhau… sẽ tạo nên sức mạnh to lớn, góp phần giúp chúng ta đẩy lùi dịch bệnh.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.      Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 3, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

2.      Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 7, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

ThS. Trần Thị Mai - Khoa Khoa học xã hội