Dự án PRELAB (Precarious Labour in Asia: Exploring Challenges and Solution to Labour Insecurity through Case-Study-Based Evidence from 8 Asian Countries): (Việc làm bấp bênh ở châu Á: Khám phá những thách thức và giải pháp cho tình trạng mất an ninh lao động dựa trên bằng chứng từ các nghiên cứu tình huống ở 8 quốc gia châu Á) được Cộng đồng châu Âu tài trợ, quản lý bởi Đại học Latvia và Đại học Dublin (Ireland) được 18 tổ chức thành viên từ nhiều quốc gia châu Á và châu Âu thực hiện trong khoảng thời gian 5 năm.

Theo báo cáo của ILO, hiện nay trên thế giới có khoảng hai tỷ người lao động đang làm việc trong khu vực phi chính thức, con số này thậm chí còn cao hơn khi các tác động của biến đổi khí hậu ngày càng ảnh hưởng đến những người sống trong điều kiện dễ bị tổn thương, đẩy nhiều người hơn vào khu vực phi chính thức. Mặc dù hoạt động kinh tế phi chính thức hiện diện rộng rãi ở châu Âu và Bắc Mỹ (chiếm khoảng 20% GDP quốc gia), nhưng các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi chịu ảnh hưởng mạnh mẽ hơn từ hiện tượng này. ILO ước tính rằng châu Phi, châu Á và châu Mỹ Latinh là nơi có 93% việc làm phi chính thức của thế giới và đang gia tăng do đại dịch Covid-19. Ngân hàng Thế giới và ILO ước tính rằng gần một tỷ người đã tham gia vào công việc bấp bênh vì đại dịch, trong đó phụ nữ và thanh niên là những nhóm bị ảnh hưởng nhiều nhất.

Sự lớn mạnh của khu vực phi chính thức gây ra một số tác động tiêu cực nghiêm trọng, bao gồm: 1) gia tăng tình trạng bất ổn bằng cách khiến người lao động trong tình trạng bấp bênh; 2) giảm khả năng chi tiêu của nhà nước gây ra tình trạng tăng thuế suất và/hoặc thâm hụt ngân sách, đẩy nhiều hoạt động sản xuất vào hoạt động ngầm và cuối cùng làm suy yếu cơ sở kinh tế và xã hội cho các thỏa thuận tập thể; và 3) ngăn cản đầu tư và cung cấp tín dụng trong toàn bộ các lĩnh vực, hoặc thậm chí là các quốc gia, dẫn đến mức FDI giảm và không thể dự đoán được. Cần phải có một số giải pháp và nhiều cách tiếp cận khác nhau để hạn chế các tác động tiêu cực của khu vực phi chính thức và giải quyết các vấn đề của lao động phi chính thức, và dần chuyển các tác nhân phi chính thức sang chính thức. Tuy nhiên, khi xem xét các xu hướng và cách tiếp cận toàn cầu để giải quyết tình trạng phi chính thức, chúng ta thấy rõ tình trạng bất lực lan rộng trong việc giải quyết hiệu quả thách thức này.

Dự án PRELAB tập trung chủ yếu vào mối liên hệ giữa tính phi chính thức và phát triển, dự án có mục tiêu chính là:

1) Đào tạo về phương pháp luận đo lường tính phi chính thức từ góc nhìn toàn cầu;

2) Khái niệm hóa các cách áp dụng các phương pháp luận định tính và định lượng đã được sử dụng thành công ở Đông Âu và Trung Á cho các quốc gia mục tiêu ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương;

3) Đưa ra cách hiểu nhất quán về cách đo lường và giải quyết tính phi chính thức ở các nền kinh tế mới nổi; và

4) Hợp tác với các nhà hoạch định chính sách và các bên liên quan trong doanh nghiệp, bên cạnh cộng đồng khoa học, để xác định các cách áp dụng các phương pháp tiếp cận này vào thực tiễn phát triển trên toàn thế giới.

Ngay từ khi bắt đầu xây dựng dự án, GS.TS. Abel Polese, từ Đại học Dublin đã sang thăm và làm việc tại Khoa Khoa học xã hội, Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Thông qua các bài giảng và các cuộc trao đổi, Khoa Khoa học xã hội đã có những đóng góp lớn trong việc hình thành đề cương nghiên cứu.

Giáo sư, Tiến sĩ Abel Polese, Khoa Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Dublin (Ireland) trao đổi với các giảng viên khoa Khoa học xã hội.

Khi dự án PRELAB chính thức được Hội đồng châu Âu phê duyệt, tháng 9/2023, Khoa Khoa học xã hội đã xây dựng kế hoạch tham gia. Khoa Khoa học xã hội đã đón tiếp các nhà nghiên cứu, các giảng viên từ các đối tác từ Trung tâm nghiên cứu giới (Đại học Moldova- Moldova), Trường đại học Luật và chính sách (Đại học Dublin- Ireland) sang làm việc. Nhóm nghiên cứu mạnh “Cấu trúc xã hội nông thôn” của khoa đã tham gia hỗ trợ các nghiên cứu sinh và các giảng viên trong việc thực hiện các nghiên cứu thực địa, trao đổi học thuật, và trình bày xê mi na.

Nhóm nghiên cứu viên từ Trung tâm nghiên cứu Giới, Đại học Moldova (Moldova) sang thăm và làm việc tại Học viện.
Phó giáo sư, Tiến sĩ. Danny Marks, Đại học Luật và chính sách, Đại học Dublin (Ireland) trình bày xê mi na tại khoa Khoa học xã hội

Tháng 5/2024, Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Thị Diễn đã sang công tác tại Trung tâm nghiên cứu Đông Âu, Đại học Bremen (Cộng hoà Liên bang Đức). Trong thời gian công tác tại Đức, tiến sĩ Nguyễn Thị Diễn đã tham gia các xê mi na của các nghiên cứu sinh, các giảng viên và nghiên cứu viên của Đại học Bremen, tham gia các hoạt động học thuật tại Trung tâm nghiên cứu Đông Âu. Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Thị Diễn cũng đã trình bày xê mi na “Employment, food security and social protection for migrant workers during the COVID-19 pandemic - Việc làm, an ninh lương thực và an sinh xã hội của lao động di cư trong đại dịch COVID-19 ở Việt Nam” tại Trung tâm.

Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Thị Diễn, trình bày xê mi na tại Trung tâm nghiên cứu Đông Âu, Đại học Bremen.

Bài trình bày đã tập trung phân tích những khó khăn của người lao động chính thức và phi chính thức ở các khu công nghiệp tỉnh Bắc Ninh và các huyện ngoại thành Hà Nội khi đại dịch Covid-19 xảy ra và những nội dung liên quan đến bảo trợ xã hội cho những người lao động này. Bài trình bày đã mang đến những nội dung rất phong phú, mới mẻ và được các học viên cao học, nghiên cứu sinh và các giảng viên, nghiên cứu viên tại Trung tâm nghiên cứu Đông Âu đánh giá rất cao. Trong thời gian công tác tại Đại học Bremen, Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Thị Diễn đã viết bài " Social Protection for Migrants in Vietnam: Lessons from the Pandemic – Chính sách bảo trợ xã hội cho người di cư ở Việt Nam: Bài học từ đại dịch”. Bài báo đã được xuất bản trên tạp chí Social Policy Worldwide vào tháng 9/2024. (https://socialpolicyworldwide.org/post/social_protection_for_migrants_in_vietnam_33)

Dự án PRELAB đang trong quá trình thực hiện và mở ra nhiều cơ hội hợp tác trao đổi trong nghiên cứu, giảng dạy và hợp tác quốc tế giữa các đối tác thành viên của dự án.  Rất nhiều nghiên cứu sinh, nhà nghiên cứu và các giảng viên từ các nước đã lựa chọn Khoa Khoa học xã hội, Học viện Nông nghiệp Việt nam là nơi thực hiện các hoạt động của dự án. Thông qua việc tham gia và thực hiện dự án PRELAB cũng như các dự án hợp tác quốc tế khác, Khoa Khoa học xã hội đang khẳng định vị thế và vai trò của mình trong các hoạt động hợp tác quốc tế.

 

Phó giáo sư, tiến sĩ. Nguyễn Thị Diễn

Khoa Khoa học xã hội