Xã là đơn vị hành chính cấp cơ sở ở nông thôn. Theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (2015), Chính quyền địa phương ở xã gồm có Hội đồng nhân dân xã và Ủy ban nhân dân xã. Chính quyền địa phương ở cơ sở nói chung và xã nói riêng có vai trò hết sức quan trọng trong hệ thống các cấp quản lý nhà nước ở địa phương. Trong Báo cáo về Tình hình và nhiệm vụ tại Hội nghị lần thứ Ba của Ban chấp hành Trung ương Đảng (Khóa II, tháng 4-1952), Hồ Chí Minh nêu rõ “công tác” của cấp xã là “nền tảng mọi công tác” của chính quyền địa phương.

Luật số 77/2015/QH13 Luật tổ chức chính quyền địa phương và Luật số 47/2019/QH14 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức chính quyền địa phương số 77/2015/QH13 quy định cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương ở xã. Theo đó, về cơ cấu tổ chức, Hội đồng nhân dân xã gồm các đại biểu Hội đồng nhân dân do cử tri ở xã bầu ra; Thường trực Hội đồng nhân dân xã gồm Chủ tịch Hội đồng nhân dân, một Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân. Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã là đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách; Hội đồng nhân dân xã thành lập Ban pháp chế, Ban kinh tế - xã hội. Ban của Hội đồng nhân dân xã gồm có Trưởng ban, một Phó Trưởng ban và các Ủy viên. Số lượng Ủy viên của các Ban của Hội đồng nhân dân xã do Hội đồng nhân dân xã quyết định. Trưởng ban, Phó Trưởng ban và các Ủy viên của các Ban của Hội đồng nhân dân xã hoạt động kiêm nhiệm.

Nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân xã là quyết định biện pháp bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh, phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác, phòng, chống quan liêu, tham nhũng trong phạm vi được phân quyền; quyết định biện pháp bảo vệ tài sản của cơ quan, tổ chức, bảo hộ tính mạng, tự do, danh dự, nhân phẩm, tài sản, các quyền và lợi ích hợp pháp khác của công dân trên địa bàn xã; quyết định dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn, dự toán thu, chi ngân sách xã, điều chỉnh dự toán ngân sách xã trong trường hợp cần thiết, phê chuẩn quyết toán ngân sách xã. Hội đồng nhân dân xã cũng quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án của xã trong phạm vi được phân quyền; giám sát việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật ở địa phương, giám sát hoạt động của Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cùng cấp, Ban của Hội đồng nhân dân cấp mình, giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Ủy ban nhân dân cùng cấp.

Cơ cấu tổ chức của Ủy ban nhân dân xã gồm Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Ủy viên phụ trách quân sự, Ủy viên phụ trách công an; Ủy ban nhân dân xã loại I có không quá hai Phó Chủ tịch; xã loại II và loại III có một Phó Chủ tịch. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân xã là xây dựng, trình Hội đồng nhân dân xã quyết định các nội dung theo quy định của pháp luật và tổ chức thực hiện các nghị quyết của Hội đồng nhân dân xã; tổ chức thực hiện ngân sách địa phương; thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn do cơ quan nhà nước cấp trên phân cấp, ủy quyền cho Ủy ban nhân dân xã.

Nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã là lãnh đạo và điều hành công việc của Ủy ban nhân dân, các thành viên Ủy ban nhân dân xã; lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ về tổ chức và bảo đảm việc thi hành hiến pháp, pháp luật, các văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên, của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân xã; thực hiện các nhiệm vụ về quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh, phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác, phòng, chống quan liêu, tham nhũng; tổ chức thực hiện các biện pháp bảo vệ tài sản của cơ quan, tổ chức, bảo hộ tính mạng, tự do, danh dự, nhân phẩm, tài sản, các quyền và lợi ích hợp pháp khác của công dân; thực hiện các biện pháp quản lý dân cư trên địa bàn xã theo quy định của pháp luật; quản lý và tổ chức sử dụng có hiệu quả công sở, tài sản, phương tiện làm việc và ngân sách nhà nước được giao theo quy định của pháp luật; chỉ đạo thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường, phòng, chống cháy, nổ; áp dụng các biện pháp để giải quyết các công việc đột xuất, khẩn cấp trong phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn xã theo quy định của pháp luật.

Với cơ cấu tổ chức và nhiệm vụ, quyền hạn trên đây, hoạt động của Hội đồng nhân dân xã và Ủy ban nhân dân xã ngày càng theo hướng thực chất, chuyên nghiệp, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước, góp phần quan trọng đối với phát triển kinh tê-xã hội địa phương. Bên cạnh những kết quả đạt được còn một số tồn tại. Một số đại biểu của Hội đồng nhân dân xã chưa được đào tạo, bồi dưỡng đầy đủ các kiến thức, kỹ năng và nghiệp vụ làm ảnh hưởng tới hiệu quả công tác giám sát thực hiện các nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội địa phương… Ủy ban nhân dân xã ban hành các quyết định còn chưa căn cứ quy định, một số vụ việc giải quyết còn tùy tiện, không đúng quy định pháp luật, nhất là đối với các vấn đề về quản lý đất đai, tài chính... Một số nơi, Ủy ban nhân dân xã giao công việc cho thôn, bản, trong khi đây là những công việc thuộc Ủy ban nhân dân xã. Mối quan hệ giữa Ủy ban nhân dân xã và Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã trong việc ra quyết định còn chưa được giải quyết tốt. Việc phân định quyền hạn, trách nhiệm của tập thể và cá nhân chưa được phân định một cách thực sự rõ ràng, cụ thể nên có thể dẫn tới không xác định đúng vai trò ban hành quyết định giữa Ủy ban nhân dân xã và Chủ tich Ủy ban nhân dân xã, từ đó ảnh hưởng tới hiệu quả giải quyết công việc chung… Từ thực tiễn đó, chính quyền địa phương ở xã cần tiếp tục được hoàn thiện về cơ cấu tổ chức và nhiệm vụ, quyền hạn nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước trong điều kiện hội nhập quốc tế sâu rộng và cách mạng công nghiệp lần thứ Tư.

Trần Lê Thanh - Khoa Khoa học xã hội