Bảo hộ thương hiệu với quyền sở hữu trí tuệ - pháp luật và thực tiễn
Cập nhật lúc 09:00, Thứ hai, 24/05/2021 (GMT+7)
Đề tài khoa học và công nghệ cấp Học viện năm 2020 - mã số T2020-09-43: “Bảo hộ thương hiệu dưới góc độ sở hữu trí tuệ: pháp luật và thực tiễn thực hiện tại một số doanh nghiệp miền Bắc” do TS. Nguyễn Thị Minh Hạnh làm chủ nhiệm đề tài đã đóng góp cơ sở lý luận và thực tiễn về mối quan hệ giữa thương hiệu và sở hữu trí tuệ tại Việt Nam.
Nghiên cứu mối quan hệ giữa thương hiệu và sở hữu trí tuệ là đề tài được nhiều học giả trên thế giới quan tâm. Tổng quan tình hình nghiên cứu đã cho thấy sự đa dạng trong hướng tiếp cận của các tác giả nước ngoài về vai trò của quyền sở hữu trí tuệ trong mối quan hệ với thương hiệu. Các tác giả đã đánh giá các khía cạnh từ góc độ pháp luật quốc gia, cũng như cân nhắc đến các yếu tố quốc tế của sở hữu trí tuệ trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu. Tuy nhiên, tại Việt Nam, nghiên cứu về vấn đề này hiện còn rất khiêm tốn, chủ yếu thể hiện dưới góc độ marketing và chưa khai thác một cách có hệ thống để làm rõ khuôn khổ luật pháp và quá trình thực thi về sở hữu trí tuệ đã tạo ra những cơ hội, thách thức nào cho doanh nghiệp trong quá trình bảo vệ, phát triển thương hiệu của mình. Vậy pháp luật sở hữu trí tuệ Việt Nam đã tạo cơ hội, cũng như đặt ra thách thức nào đối với các chủ thể kinh doanh trong quá trình bảo vệ thương hiệu của mình? Các chủ thể kinh doanh đã sử dụng công cụ pháp lý này ra sao, những thuận lợi, khó khăn nào họ gặp phải trong quá trình áp dụng? Đây là nội dung nhóm nghiên cứu đi sâu tìm hiểu.
Quyền sở hữu trí tuệ gắn với nhãn hiệu “Bảo Xuân” (bên trái) của công ty Dược phẩm Ích Nhân bị xâm phạm bởi cơ sở Ngân Anh với nhãn hiệu “Bảo Xinh” (bên phải) (Nguồn: Internet).
Đề tài sử dụng hệ thống thông tin thứ cấp và thông tin sơ cấp thông qua 12 phỏng vấn sâu đối với các đại diện đến từ các doanh nghiệp, hợp tác xã khu vực miền Bắc, đại diện Cục Sở hữu trí tuệ, Vụ Pháp chế của Bộ Khoa học và Công nghệ, các luật sư có kinh nghiệm thực tiễn về sở hữu trí tuệ. Kết quả nghiên cứu của đề tài đã chỉ ra rằng hệ thống sở hữu trí tuệ hiện nay tại Việt Nam chưa phát huy hết vai trò trong việc bảo hộ thương hiệu do hai rào cản chính: một phần do pháp luật, một phần do quá trình thực thi. Về phương diện pháp luật, đối với thương hiệu doanh nghiệp, báo cáo đề xuất cần có quy định rõ ràng về các tiêu chí xác định tình trạng trùng hoặc gây nhầm lẫn của các nhãn hiệu tương tự để làm giảm áp lực chứng minh đối với bên bị vi phạm. Các quy định cũng cần phải loại bỏ các rào cản cho quá trình đăng ký, tránh tình trạng lợi dụng từ phía đối thủ cạnh tranh hoặc đăng ký với dụng ý xấu nhằm loại bỏ đối thủ cạnh tranh. Đối với thương hiệu tập thể, cần có quy chế chặt chẽ về cơ chế quản lý chất lượng đối với sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận và chỉ dẫn địa lý. Cần phải phân định rõ yếu tố quản lý kinh tế của chủ thể nắm quyền và quản lý nhà nước của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Sự kiểm soát về mặt dán nhãn cần phải đặt dưới sự giám sát chặt chẽ để đảm bảo uy tín của thương hiệu tập thể và lợi ích của người tiêu dùng. Về phương diện thực thi, cần phải hoàn thiện hệ thống cơ quan thực thi pháp luật về sở hữu trí tuệ, từ cơ quan quản lý khâu đăng ký sở hữu trí tuệ, giám định sở hữu trí tuệ cho đến các cơ quan xử lý vi phạm, giải quyết tranh chấp liên quan đến sở hữu trí tuệ.