Báo cáo tóm tắt kết quả đề tài nghiên cứu cấp Học viện năm 2020: “Nghiên cứu sự không an toàn của lao động di cư bất hợp pháp sang các nước Châu Âu- Nghiên cứu trường hợp tại xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh”
Cập nhật lúc 10:22, Thứ tư, 19/05/2021 (GMT+7)
Thực hiện kế hoạch năm học 2020 - 2021, Khoa Khoa học xã hội tổ chức nghiệm thu đề tài khoa học và công nghệ cấp Học viện: “Nghiên cứu sự không an toàn của lao động di cư bất hợp pháp sang các nước Châu Âu- Nghiên cứu trường hợp tại xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh” - Mã số: T2020-09-40 của nhóm nghiên cứu do Th.s Nguyễn Thị Lập Thu làm chủ nhiệm đề tài.
Di cư hiện nay là một hiện tượng tất yếu cùng với sự phát triển kinh tế xã hội. Ở Việt Nam, quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa ngày càng mạnh mẽ thì hiện tượng di cư như một hệ quả tất yếu của quá trình này cũng có xu hướng ngày càng tăng mạnh và dự báo sẽ còn tiếp tục tăng (Tổng cục thống kê, 2011). Di cư không chỉ góp phần tăng phúc lợi và an sinh cho người di cư thông qua việc tạo thu nhập cao và đa dạng hóa sinh kế mà đối với sự phát triển: Di cư vừa là động lực thúc đẩy lại vừa là kết quả của sự phát triển kinh tế xã hội cả ở nơi xuất cư và nơi nhập cư. Ở nơi xuất cư, tác động dễ nhận thấy nhât là thông qua các khoản tiền gửi về của người di cư. Trên thực tế, xu hướng di cư quốc tế về lao động đã tạo ra những ảnh hưởng lớn về kinh tế, văn hóa, xã hội, diện mạo của đất nước có nhiều thay đổi, nâng cao chất lượng sống của nhân dân, đặc biệt là trong đời sống khu vực nông thôn nó còn là một chiến lược đa dạng hóa và làm giảm rủi ro cho kinh tế hộ gia đình. Là lời giải phù hợp nhất cho bài toán phát triển kinh tế gia đình hiện nay và tiền chuyển về là nguồn cung cấp không thể thiếu trong kế hoạch phát triển kinh tế gia đình.
Nghiên cứu cho thấy số lao động tham gia di cư quốc tế (bao gồm cả hợp pháp và đi di chuyển bất hợp pháp) tại xã Thiên Lộc từ 2014 đến 2019 có sự biến động rõ rệt. Năm 2014 toàn xã có 945 người di cư quốc tế, nhưng đến năm 2019 con số đó tăng lên là 1340 người. Bình quân mỗi năm xã có khoảng 78 người đi di cư quốc tế, năm 2018 số lao động đi tăng cao nhất, 145 người, cao nhất trong khoảng 5 năm. Tỷ lệ người lao động có trình độ học vấn bậc THPT cao nhất đạt 76.8%, và không có người di cư nào có bậc tiểu học trong khi tỷ lệ có học vấn sơ cấp trung cấp nghề và Cao đẳng Đại học đều lần lượt là 3.3%. Người lao động bất hợp pháp sang các nước Châu Âu chủ yếu là người đã kết hôn, có quá trình lưu trú từ 3 năm trở lên đến hơn 10 năm chiếm ưu thế. Người di cư bất hợp pháp gặp nhiều loại rủi ro trong quá trình tiếp cận thông tin với chuyến đi di cư Thiên Lộc sang Châu Âu. Trong quá trình di chuyển, người lao động gặp phải những rủi ro nghiêm trọng do quá trình đi được thực hiện bởi các cá nhân và tổ chức thuộc nhiều quốc gia, di chuyển trong những hành trình cực kỳ phức tạp. Quá trình sinh sống người lao động thường xin tị nạn ở Đức bán thuốc lá lậu, từ việc không có hợp đồng lao động và từ sự cạnh tranh việc làm trong môi trường làm việc phi chính thức ở nước ngoài. Những rủi ro này ảnh hưởng nhiều đến an toàn sức khỏe và việc không có nhân quyền công dân của người lao động tại các nước Châu Âu như Đức. Ngược lại, rủi ro mà những người nhập cư bất hợp pháp vào Anh găp phải xuất phát từ tính bất hợp pháp trong công việc và sự không được thừa nhận của luật pháp, nghề “trồng cỏ” (trồng cần sa, ma tuý). Những rủi ro trong đời sống sinh hoạt mà người di cư bất hợp pháp phải đối mặt còn liên quan đến điều kiện tiện nghi sinh hoạt của họ ở nước đến như: sự kém chất lượng của phòng trọ, không tiếp cận được hệ thống y tế và thường tự mua thuốc về tự chữa bệnh khi ốm.
Các sản phẩm của đề tài:
- 01 Báo cáo khoa học: Nghiên cứu sự không an toàn của lao động di cư bất hợp pháp sang các nước châu Âu- Nghiên cứu trường hợp tại xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh
- 02 Bài báo: 01 Bài báo “Thực trạng lao động di cư lao động sang các nước Châu Âu- Nghiên cứu trường hợp tại xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc đã được tạp chí Lao động và Việc làm phê duyệt đăng trong số tháng 12/2020
- Phục vụ cho giảng dạy và học tập môn xã hội học Đại cương 2, Di dân và biến đổi xã hội ngành Xã hội học Khoa Khoa học Xã hội.
- Đào tạo: 03 sinh viên tham gia nghiên cứu thực địa thực hành phương pháp nghiên cứu xã hội học, 01 sinh viên làm đề tài khóa luận tốt nghiệp.