“Ảnh hưởng của di cư tới phát triển nông nghiệp tại đồng bằng sông Hồng, Việt Nam”- Đề tài Tiến sĩ trong Khuôn khổ hợp tác Việt - Bỉ
Cập nhật lúc 15:52, Thứ tư, 11/03/2020 (GMT+7)
Trong khuôn khổ dự án Phát triển Thể chế, hợp tác giữa Học viện nông nghiệp Việt Nam và Khoa Phát triển kinh tế nông thôn, trường Gembloux Agro-Bio Tech, Đại học Liège University, và nguồn kinh phí từ ARES-CCD, ngày 18/11/2019 cô Nguyễn Thị Minh Khuê –Bộ môn Xã hội học, Khoa Lý luận chính trị và Xã hội – Học viện Nông nghiệp VN đã bảo vệ thành công đề tài nghiên cứu sinh tại Bỉ về “Ảnh hưởng của di cư tới phát triển nông nghiệp tại đồng bằng sông Hồng, Việt Nam”
Kết hợp giữa phương pháp định tính và định lượng, đề tài đã chỉ ra tính chất tuần hoàn ngày càng trở nên quan trong di cư từ nông thôn ra thành thị. Tính chất tuần hoàn trong di cư đã đặt người nông dân vào vị trí trọng tâm trong quá trình hồi tiếp nông thôn đô thị và biến di cư trở thành một yếu tố chính thúc đẩy biến đổi xã hội nông thôn và phát triển nông nghiệp. Tiền gửi về từ di cư trở thành thu nhập chính của các hộ gia đình nông thôn, và được sử dụng chủ yếu cho tiêu dùng. Tuy nhiên tiền gửi về ở Mai Thôn cũng cho thấy xu hướng tích cực trong việc đầu tư vào nông nghiệp. Tiền đầu tư vào nông nghiệp cao gấp 4 lần so với phi nông. Nông nghiệp và di cư bổ trợ lẫn nhau trong chiến lược hộ gia idnfh nông thôn. Phần lớn các hộ gia đình giữ đất nông nghiệp và duy trì sản xuất lúa nông nghiệp bằng nhiều cách thức đa dạng : một mặt họ chỉ sản xuất ở mức thấp ( bỏ vụ rau, chỉ sản xuất một vụ lúa), một mặt họ cho thuê, mượn đất. Đất đai và sản xuất nông nghiệp luôn là một nguồn lực ổn định, vừa đảm bảo cho cuộc sống tự cung tự cấp, vừa duy trì tính tự chủ của các hộ gia đình nông thôn.
Đề tài cũng chỉ ra tính đa chức năng và xu hướng kết nối không gian qua di cư của các hộ gia đình đề duy trì sản xuất nông nghiệp dưới ảnh hưởng của di cư. Di cư còn ảnh hưởng tới xu hướng tiêu dùng các sản phẩm nông nghiệp của hộ. Thay vì bán lấy tiền phục vụ các nhu cầu sinh hoạt khác của gia dình, các sản phẩn nông nghiệp hiện được ưu tiên cho tiêu dùng trong hộ gia đình, cũng như làm quà biếu để duy trì quan hệ xã hội đối với hàng xóm và người thân, đặc biệt những người không có đất và điều kiện trực tiếp làm nông nghiệp. Xu hướng này thúc đẩy các hộ đình ở Mai thôn lựa chọn các giống lúa và con giống có chấy lượng cao, thân thiện với môi trường và các nguồn lực tại địa phương. Điều này cho thấy những tương tác chủ động của hộ gia đình ở nông thôn trong bối cảnh khủng hoảng lương thực toàn cầu, không phải chỉ ở khía cạnh an ninh lương thực mà còn dưới góc độ an toàn thực phẩm và chủ quyền lương thực.
Đề tài đã nhận được nhiều đánh giá tích cực từ các thành viên Hội đồng. Hội đồng đánh giá cao đóng góp của đề tài không chỉ dưới góc độ nghiên cứu thực tiễn mà còn đưa ra những kiến giải mới cho lý thuyết về nghiên cứu nông thôn. Giáo sư Ben White từ học viện Khoa học Xã hội Hà Lan nhận định « đề tài được cấu trúc rõ ràng, văn phong mạch lạc, phân tích sâu sắc các ảnh hưởng di cư tới nông nghiệp, đặc biệt đề tài đã nêu ra được vấn đề và vai trò của thanh niên trong sản xuất nông nghiệp». Phó giáo sư Nguyễn Thị Diễn ghi nhận tính sáng tạo và chi tiết trong nghiên cứu về làng xã tại đồng đằng sông Hồng trong khi giáo sư Peemans từ Đại học Louvain-la-Neuve cho rằng đề tài đưa ra và phân tích sáng rõ những vấn đề quan trọng trong phát triển nông nghiệp và nông thôn không chỉ ở Việt Nam mà còn ở các nước Đông Nam Á. Ngoài ra đề tài đã đưa ra những câu hỏi mở, những hướng nghiên cứu mới về khía cạnh xã hội của di cư tới phát triển nông nghiệp, cần được chú trọng hơn trong các dự án phát triển cũng như xây dựng chính sách.